Thời gian gần đây, tôi thấy nóng lên câu chuyện về giáo dục trong nước, đặc biệt là bậc phổ thông. Người ta tranh cãi nhau về việc có nên đưa Lịch sử thành môn tự chọn; có nên dạy quá nhiều đạo hàm, tích phân cho học sinh; đánh giá và khen thưởng khối tiểu học thế nào...? Những vấn đề đó cho thấy bức tranh của giáo dục Việt Nam, còn nhiều hoài nghi và trăn trở.
Tôi cho rằng, nếu coi người học là sản phẩm của ngành giáo dục thì các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cần cung cấp tiêu chuẩn về nhân lực để các trường đào tạo cho phù hợp. Nói cách khác là xã hội "đặt hàng" ngành Giáo dục, các trường sẽ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đào tạo để người học sau khi tốt nghiệp đạt được sự phù hợp với nơi làm việc sau này. Như vậy, xã hội sẽ bớt lãng phí nhân lực "ngồi nhầm chỗ" và tiết kiệm nhiều chi phí cho nền kinh tế.
Tôi xin tóm lược một số ý chính như sau:
1. Tiêu chuẩn của người tốt nghiệp THCS: Người tốt nghiệp THCS phải là người có kiến thức đủ để hiểu được những thông tin thời sự hàng ngày. Điều này rất quan trọng vì trong thời đại thông tin hiện nay, chúng ta rất dễ dàng bổ sung các kiến thức thông qua internet, báo chí. Người dân hiểu được các kiến thức về sức khỏe cá nhân, đời sống, pháp luật, chính trị, các công việc trong gia đình và xung quanh mình thì sẽ tham gia tích cực vào sự phát triển của đất nước và giữ gìn an ninh trật tự.
>> 'Giải Toán khó trong 10 phút, mất cả buổi thay bóng đèn'
2. Tiêu chuẩn của người tốt nghiệp THPT: Người tốt nghiệp THPT, đủ 18 tuổi đã có đầy đủ quyền công dân, đủ điều kiện để tham gia vào thị trường lao động. Vì vậy, họ cần phải có ít nhất một nghề nghiệp và có hiểu biết pháp luật đủ để bảo vệ bản thân trong các giao dịch dân sự. Nếu đặt ra tiêu chuẩn này thì vai trò của các trường dạy nghề sẽ được nâng cao hơn. Các trường cấp ba bình thường khác sẽ tập trung vào mục tiêu dạy định hướng đại học, nhưng vẫn cần đảm bảo mỗi học sinh khi tốt nghiệp cấp ba phải thành thạo một nghề để có thể kiếm sống.
3. Tiêu chuẩn của Đại học, thạc sĩ, tiến sĩ: Tiêu chuẩn của trình độ Đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta cũng cần phải xem xét lại vì rất nhiều người "ngồi nhầm chỗ". Những công việc hành chính đơn giản, đúng ra không cần thiết phải có trình độ Đại học thì nhiều nơi lại còn yêu cầu bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ.
Tóm lại, nếu chúng ta làm tốt, xác định lại tiêu chuẩn đào tạo bậc THCS và THPT thì có thể giảm tải được rất nhiều cho bậc Đại học và ngành giáo dục sẽ nhẹ nhàng hơn, tránh được những tranh cãi không đáng có xung quanh câu chuyện dạy gì và học thế nào?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.