Chất lượng luận án tiến sĩ ở Việt Nam từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối khi giống như những báo cáo tổng kết một chương trình hành động hơn là những công trình nghiên cứu khoa học.
Nói về thực trạng này, độc giả Tusardeva nhận định: "Tôi đã đi dự lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của một vài người và thấy luận án của họ giống như một báo cáo tổng kết thực trạng hoặc công tác về một lĩnh vực nào đó. Số liệu được đưa ra rất nhiều, nhưng đề cập lan man và hầu như thiếu hẳn các phân tích khoa học. Thực sự, tôi băn khoăn không biết những luận án đó có đáng gọi là luận văn tốt nghiệp đại học hay không nữa?
Luận án tiến sĩ lẽ ra phải là một nghiên cứu khoa học ở trình độ cao. Vì vậy nó phải là một nghiên cứu chuyên sâu, vì 'sâu' nên nó phải 'hẹp', tức là vấn đề được đưa ra nhằm giải quyết thường chỉ có một, và vấn đề đó phải mang tính khoa học. Toàn bộ luận án từ đầu tới cuối như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt dẫn dắt tới kết luận cuối cùng, mà chưa được giải đáp ở bất kỳ nghiên cứu khoa học nào trước đây.
Đáng tiếc là thực tế phần lớn luận án tiến sĩ ở Việt Nam lại không làm được nhiệm vụ cơ bản đó. Do vậy, việc nâng cao trình độ, hay nói đúng hơn là đưa việc đào tạo tiến sĩ trở về đúng với vị trí của nó là một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay".
Mục đích chính của đào tạo tiến sĩ là kiến tạo một đội ngũ nhà khoa học chuyên nghiệp, những người có khả năng làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy trong đại học. Tuy nhiên, Việt Nam hiện có hơn 25.000 tiến sĩ, nhưng đa số không làm việc trong các đại học. Số liệu năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy chỉ khoảng 8.500 giảng viên đại học (trong số 60.000) có bằng tiến sĩ. Ngoài ra, trong số 10.000 giáo sư và phó giáo sư, khoảng 50% không làm việc trong các đại học hay viện nghiên cứu.
Bạn đọc Phuc Tran chỉ ra nhiều bất cập: "Tôi thấy tiêu chí đánh giá luận án tiến sĩ là một viêc mà các nước có nền khoa học tiên tiến đã làm từ rất lâu rồi, nhưng chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi không triển khai được. Tất cả các đề tài nghiên cứu, luận án thạc sĩ hay tiến sĩ đều phải giải thích được những câu hỏi sau: tính mới mẻ, đột phá của đề tài; tính cấp thiết; tình hình nghiên cứu trong nước và trên thế giới (đã kế thừa và nghiên cứu gì mới so với trước đây).
Tôi từng ngồi hội đồng chấm luận án nhiều lần, thấy các bạn cứ nói thao thao bất tuyệt, rất lan man. Nghe xong, tôi chỉ hỏi và làm rõ lại đúng ba điều trên. Nếu người nào trả lời được thì chứng tỏ có nghiên cứu và hiểu rõ luận án của mình. Chỉ không hiểu sao chúng ta có đủ hội đồng phản biện kín, rồi hội đồng bảo vệ chính thức tiến sĩ, nhưng vẫn để lọt lưới những hạt sạn to như thế.
Đối với tiến sĩ, phải có ít nhất hai bài báo đăng trên tạp chí có uy tín của nước ngoài (cái này Việt Nam đã bắt đầu triển khai nhưng quy định không rõ ràng); đồng thời phải thay đổi cấu trúc viết của luận án tiến sĩ theo hướng tóm tắt và tổng kết lại kết quả của hai bài báo kia là xong, không cần rườm rà làm gì vì bản thân khi được đăng báo uy tín đã là một kỳ đánh giá.
Đối với chức danh giáo sư và phó giáo sư, theo tôi, tốt nhất nên bổ nhiệm có thời hạn, đề nghị báo cáo kết quả hàng năm. Nếu trong 5 năm mà người đó không có công trình nghiên cứu và bài báo khoa học nào thì xem xét rút danh hiệu. Chứ việc cứ công nhận chức danh vĩnh viễn như hiện nay sẽ làm nảy sinh tư tưởng chạy chọt, khi đạt được rồi thì lại lười biếng nghiên cứu".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.