Đúc kết từ gần hết các bình luận ủng hộ việc chuyển môn Lịch sử thành môn tự chọn, quan điểm mà tôi gặp nhiều nhất chính là: "Môn Lịch sử đã dạy những điều cần thiết về lịch sử Việt Nam và thế giới ở hai cấp học là tiểu học và trung học cơ sở rồi".
Bản thân tôi là một người rất yêu thích lịch sử, khác với các bạn đồng trang lứa cấp 1, tôi đã tự tìm tòi và học hỏi lịch sử rất nhiều. Nhưng tới khi lên cấp 2, tôi cũng "chán ngang" môn Lịch sử vì nội dung học quá nhiều và cách thầy cô truyền tải thì quá dài dòng, khó nhớ. Chỉ cho tới khi tôi thử đăng ký thi chuyên, gặp cách truyền đạt và kể truyện hấp dẫn của cô ôn thi Sử, tôi mới dần dần tìm lại niềm yêu thích với môn học này.
Vậy nên, tôi chắc chắn với những bạn vốn không có niềm yêu thích với môn Sử ngay từ đầu, lại gặp cách truyền đạt khô khan, chương trình học nặng nề, thì khó lòng mà quan tâm tới nội dung thầy cô dạy. Các học sinh cứ việc học vẹt, lên trả bài, thi lấy điểm, tới hè nghỉ ngơi thì quên bẵng không còn thứ gì đọng lại, có chăng thứ còn sót lại sau cả ba cấp học môn Sử của mọi người chỉ là bảng điểm đẹp toàn 8, 9, 10.
Tôi có một cô em họ, lúc em vừa học xong sự kiện Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, tôi có hỏi vui: "Em mới học bài đó xong thì có biết năm nào Ngô Quyền thắng quân Nam Hán hay đã dùng cách nào để đánh thắng không?". Em trầm ngâm hồi lâu rồi bảo: "Cho em mở sách ra xem lại". Tôi không chịu với lý do "mới học hồi sáng". Em lắc đầu cười bảo: "Làm sao em biết được khi cô nói một tràng gì đó trên lớp rồi về kêu tụi em học thuộc để kiểm tra thôi".
Khi ấy, tôi cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán, vì thật sự cách truyền đạt của hầu hết thầy cô Sử đều chú trọng nội dung trong sách, điểm số, chứ không hề cố gắng tìm cách sao cho các em thấy yêu thích. Vậy nên không thể nói đã dạy đủ những điều cần thiết của Lịch sử nước nhà ở hai cấp 1 và 2. Thử hỏi có bao nhiêu học sinh học có thể nhớ được thầy cô vừa nói cái gì, dù tiết học chỉ kết thúc trước đó năm phút, có nhớ cũng là nhớ những câu dặn dò để kiểm tra bài.
>> Học Lịch sử bao nhiêu là đủ?
Vấn đề lớn nhất của môn Sử chính là cách truyền đạt. Môn Lịch sử không hề chán, vấn đề duy nhất môn Sử gặp hiện nay là các thầy cô dạy dỗ quá coi trọng thành tích và nội dung trong cuốn sách giáo khoa.
Lớp cấp 2 của tôi có năm được một cô giáo trẻ, cỡ mới ra trường, nhận dạy thay lớp môn Lịch sử khoảng hai, ba tháng. Và chỉ trong ngần ấy thời gian, cô đã biến một lớp học đang có tư tưởng khó chịu, chán chường với môn Sử, thành một lớp cứ tới tiết Sử là sáng hết cả mắt, tinh thần luôn phơi phới dù đã là tiết cuối của ngày hoặc là đang giữa trưa buồn ngủ.
Lúc dạy, cô không cho lớp ghi chép bất cứ thứ gì (cô sẽ gửi file cho bổ sung sau), hoặc cô cho lớp tranh thủ chép thật nhanh, dư hẳn 30 phút để kể cho học sinh nghe những câu chuyện thú vị có liên quan tới bài học, và kết thúc tiết học là một video hoạt hình lịch sử hay một video lịch sử có cách truyền tải thú vị mà liên quan tới nội dung học hôm ấy cho cả lớp xem. Dù hết tiết, tới giờ về, chúng tôi vẫn nhất quyết ở lại xem bằng hết mới chịu đứng lên chào cô ra về.
Lúc cô chuyển lớp dạy, chúng tôi còn gần như muốn quậy tới thầy hiệu trưởng vì không muốn trường cử một giáo viên khác có nhiều kinh nghiệm, nhưng phương thức truyền đạt dài dòng. Và thật vậy, giáo viên mới tới, dạy đúng theo kiểu trọng thành tích, trọng nội dung, và chỉ trong một tuần đã khiến lớp "mù tịt" dù trước đó, sự kiện lịch sử nào của nhà Lý hay 1.000 năm đô hộ phương Bắc đều biết.
>> Lịch sử 'tự nguyện thay vì tự chọn'
Bạn hãy thử cho con cái mình, những đứa trẻ vốn không có niềm yêu thích gì với môn Sử, xem những video về lịch sử trên mạng và hỏi chúng xem thích cách dạy trên lớn hay trên mạng hơn? Tôi từng hỏi thử những người bạn đồng trang lứa, tất cả đều nói cách truyền đạt của những video trên mạng ngắn gọn, vô thẳng vấn đề, cách nói chuyện bắt kịp xu hướng của giới trẻ hiện nay, khiến cho nội dung dễ đi vào trí nhớ của mọi người hơn.
Vậy tại sao thầy cô không thử thay đổi như vậy? Chỉ cần thay đổi một chút ở cách nói chuyện, chêm từ gần gũi vào, đã là quá đủ để cho những em học sinh đang buồn ngủ cũng có thể tỉnh táo tới cuối tiết và tiếp theo là tập trung nghe thầy cô giảng giải bài học hơn.
Hệ lụy của việc không hứng thú với môn Sử hay không biết chút gì về lịch sử của chính nước mình thật sự khó mà mường tượng. Xin hỏi, tại sao một cường quốc như Mỹ hiện nay, với 300 năm lịch sử đã sớm yêu cầu, và đưa môn Sử thành môn học chính trong các cấp học và cả trong thi cử.
Dân tộc Việt Nam xưa đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, lưu truyền lại lịch sử của nước nhà. Lịch sử chính là nguồn động lực to lớn khiến ta vượt qua mọi cuộc chiến khó khăn, và gần đây là cuộc chiến cả nước cùng đánh Covid-19. Tôi tin những bạn đã đọc tới những dòng nay, sẽ thay đổi cách nhìn với môn Lịch sử. Hãy nghĩ làm sao truyền đạt môn Sử cho thật hay, thật hấp dẫn cho các thế hệ mai sau được tường tận lịch sử nước nhà. Khi đó học sinh sẽ tự chủ động tìm đến với Lịch sử chứ không chỉ là chuyện bắt buộc hay tự chọn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.