Câu chuyện "lấy của nhà giàu chia cho người nghèo" nên được hiểu thế nào? Chữ "lấy" ấy có phải chỉ được hiểu theo nghĩa bạo lực, là tước đoạt? Xã hội văn minh cũng "lấy" nhưng trên quan điểm phân phối lại thu nhập thông qua các chính sách xã hội. Ví dụ, người có thu nhập càng cao mức thuế thu nhập cũng càng cao. Một người Mỹ có thu nhập một tỷ USD một năm sẽ phải đóng thuế thu nhập 70%. Một siêu sao bóng đá, điện ảnh, đấm bốc... có mức lương, cát-sê rất khủng mà chúng ta biết đến thực tế là số tiền chưa trừ thuế. Sau khi trừ thuế, thu nhập của người đó nhiều lắm cũng chỉ gấp 10 lần thu nhập trung bình.
Ở Việt Nam, một chiếc xe hơi hạng A có giá dưới 500 triệu đồng. Nếu chiếc xe ấy chỉ có thuế phí ngang với của xe máy, giá cả của nó nhiều lắm cũng gấp đôi chiếc xe ga. Khoản "lấy" này, Nhà nước dùng để chi cho các hoạt động công ích, phúc lợi xã hội. Ví như, để xây dựng hệ thống giao thông công cộng (phúc lợi xã hội) cần rất nhiều tiền. Tiền ấy lấy từ thuế thu nhập. Người có thu nhập cao vẫn có thể dùng hệ thống giao thông công cộng ấy để di chuyển nhưng mấy ai chịu dùng khi họ đã có xe hơi?
Ở phương Tây, ai cũng có xe hơi nên người có xe trị giá vài trăm nghìn USD trở lên có bỏ xe ở nhà mà đi xe buýt không? Đó là lý do họ đánh thuế vào tài sản thừa kế. Nếu tài sản ấy không dùng để kinh doanh thì mức thuế rất thấp và chỉ đóng một lần. Nếu tài sản ấy dùng để kinh doanh thì Nhà nước sẽ tính thuế dựa trên lợi nhuận kinh doanh so với tổng tài sản. Nếu lợi nhuận vượt quá số phần trăm theo quy định của luật thì tính thuế như kinh doanh bình thường. Nếu thấp hơn sẽ tính thuế trên tổng tài sản.
Ngay cả tỷ phú có tài sản trăm tỷ USD, tưởng như con cháu 10 đời ăn không hết, nhưng nếu con cái họ không nỗ lực phấn đấu, chỉ dựa vào tài sản thừa kế mà ăn, chẳng mấy năm số tài sản ấy sẽ đem đóng thuế hết. Vậy nên ai giàu cũng chỉ giàu một đời, đời sau nếu không nỗ lực phấn đấu, tuy chưa đến mức nghèo mạt hạng, nhưng cũng chỉ hơn người bình thường một chút. Do vậy, tỷ phú sẽ để lại một ít tài sản không bị đánh thuế cho con cái, phần lớn tiền còn lại đem từ thiện lấy tiếng.
Chính sách như vậy buộc người có tiền đời nào cũng phải nỗ lực. Nếu không, ai có tiền cũng ném hết tài sản vào ngân hàng lấy lãi ăn dần thì kinh tế làm sao phát triển? Một tỷ USD bỏ vào ngân hàng, lãi suất tiết kiệm 1% mỗi năm thôi cũng được 10 triệu USD, ăn tiêu không hết. Như vậy, người giàu (đời sau) không làm gì vẫn ngày càng giàu hơn.
Nỗ lực phấn đấu để giàu hơn người khác tôi không nói, nhưng không nỗ lực gì mà vẫn ngày càng giàu hơn chính là bất công xã hội.
Để san bằng sự bất công ấy, Nhà nước đưa ra các chính sách thuế "lấy của nhà giàu chia cho người nghèo". Người nghèo ở đây không phải là người cùng khổ dưới đáy xã hội mà là người có nỗ lực phấn đấu nhưng vấp phải hoàn cảnh điều kiện eo hẹp, thông qua các khoản vay hỗ trợ khởi nghiệp.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.