Robin Hood là một nhân vật anh hùng trong văn học dân gian của Anh, một cung thủ và kiếm thủ cừ khôi, ông được biết đến với việc "cướp của người giàu chia cho người nghèo". Chắc hẳn với câu truyện đã được dựng thành phim, cuộc đời của Robin Hood không phải xa lạ với các bạn. Nhưng có ai biết mục đích chính cho sự ra đời của nhân vật này? Chính là chuẩn bị tinh thần cho thu thuế lên giới nhà giàu khi đó, và các cách tập hợp lực lượng cho những người muốn "thay triều đổi đại" để thu hút sự ủng hộ của tầng lớp đông đảo nhất trong xã hội là nhà nghèo.
Trong các câu truyện cổ tích, dân gian cũng thường có hình ảnh "lão nhà giàu xấu xa, độc ác" và luôn luôn bị trừng trị bởi những người tốt như một thế lực tâm linh tinh thần nào đó như bà tiên, ông bụt; các thế lực thống trị như công chúa, hoàng tử, hoàng hậu, nhà vua; hoặc các anh hùng hảo hán kiểu "lương sơn". Trong tác phẩm Thủy Hử của Trung Quốc có các anh hùng Lương Sơn đều "thế thiên hành đạo" cướp của nhà giàu chia cho người nghèo.
Kinh tế thị trường cũng từng bị thế giới lên án. Như tôi đã từng chỉ ra, kinh tế thị trường là hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh có quy mô phù hợp với quy mô thị trường, đảm bảo sự cần bằng tương ứng mà tôi đã từng gọi tên là quy luật kinh tế "kẻ đi săn và con mồi" (tổ chức bầy đàn đi săn hiệu quả, phù hợp với con mồi, có thể co giãn, tổ chức lớn, tổ chức nhỏ khác nhau phù hợp với việc săn con mồi gì) hay quy luật kinh tế "tổ chức bầy đàn". Do đó, kinh tế thị trường luôn có đầy đủ các hình thức kinh doanh từ cá thể, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn phù với thị trường mà họ tham gia.
>> 'Đạo đức tốt hay xấu không liên quan đến tiền'
Thói đổ lỗi đã ăn sâu vào tiềm thức, văn hóa khi mà hễ các tật xấu của con người thường được gắn cho "đồng tiền", cáo, sói (con sói độc ác)... Ngày xưa, khi ra đường, do người thưa đất rộng, rừng núi nhiều nên chủ trương dạy cho trẻ em đề phòng các con vật nguy hiểm như cáo, sói là điều không lạ Nhưng lại đổ tật xấu của con người lên chúng thật sự thì hơi quá bất công. Điều này đã tạo ra sự ngộ nhận về sau. Do nhu cầu trở nên giàu có là một đặc tính tất yếu của con người hay bất kỳ cá thể sống nào cũng khao khát quyết tư hữu. Do vậy, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, làm ăn gian dối với sự ngụy biện rằng: "Vì được dạy là giàu có phải xấu nên phải trở thành người xấu", hay "vì làm giàu cả thôi nên tôi có xấu một chút", hay "vì đồng tiền kiếm ăn cả thôi, ai giàu mà không xấu, không trục lợi"... đã gây tổn hại kinh tế đáng ra phải dựa vào đạo đức và tính chân thực của sản phẩm.
Vậy thực sự nhà giàu có xấu không? Có thể có, có thể không giống như nhà nghèo vẫn có người tốt, kẻ xấu vậy. Nhưng phần lớn người giàu thường là người tốt, vì đơn giản, để có thể kinh doanh và sống lâu với nghề, họ phải được lòng nhiều người, nếu không sẽ bị pháp luật trừng trị. Hà cớ chi một vị tỷ phú chi hàng trăm tỷ cho một ngôi trường, bệnh viện để dạy học và chữa trị cho những người ông ta chưa hề quen biết, chưa hề gọi tên, biết mặt dù chỉ một lần? Hà cớ chi cũng chỉ ngày cơm ăn ba bữa, ngủ một chiếc giường, ở cũng một căn nhà mà kiếm tới hàng tỷ đôla trong khi phần lớn chẳng tiêu hết số lẻ trong đó. Và phần lớn tiền của họ sẽ chịu tốc độ lạm phát, trượt giá theo thời gian (một hình thức phân phát lại của cải cho xã hội theo quy luật thịnh suy của đồng tiền)...
Nếu nhà giàu xấu thì sao? Vậy thì đã có pháp luật để trừng trị họ. Họ phải bị xét xử trước vành móng ngựa bởi toà án và một vị thẩm phán không thiên vị. Của cải, tài sản của họ nếu bị xác định là gian dối sẽ phải trả lại cho nạn nhân nếu là cá nhân, tổ chức bị hại hoặc là cơ quan công quyền nếu là tài sản quốc gia. Và đương nhiên mọi hành động "cướp" của họ vì mục đích riêng, hay cho những cá nhân chẳng liên quan đến vụ án lại là hành động "ăn cướp" như bao người khác phải trừng trị dù có vì mục đích "chia cho người nghèo" đi nữa. Đấy là chưa kể các trường hợp oan sai...
Mà thường các anh hùng cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo lại xếp chính bản thân họ đầu tiên trong danh sách cần được nhận. Một người ăn cướp hoài thì làm gì để sống ngoài việc tiêu tiền ăn cướp? Mà chưa kể việc chia cho ai; người đó xứng đáng được nhận không; chia như thế nào, tiêu chí để phần định là gì; người nghèo được chia vì lí do gì; nghèo vì lười biếng, lười lao động, nghèo vì "bị bóc lột" hay nghèo vì nền tảng gia đình, nghèo vì không có ruộng đất; rồi sau khi chia cho người nghèo thì họ sẽ làm gì, có dùng tiền ăn chơi trác táng không, lô đề, cờ bạc, rượu chè thêm không; có đầu tư làm ăn gì không; rồi sau khi người nghèo nhận tiền và giàu lên thì họ có muốn trở thành "nạn nhân" bị cướp tiếp theo của vị hảo hán, anh hùng đó không...?
Có lẽ, hình thức cướp của nhà giàu chia cho người nghèo chỉ là một hành động ngụy biện cho việc ăn cướp. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận thực tế và trả lại sự công bằng, quan trọng vốn có của đồng tiền (giấy nợ mang tên tiền, ghi nhận công lao động của mình được người khác vay). Và việc làm giàu vốn không hề là việc xấu. Ngược lại, phải có đạo đức mới có thể bền vững, làm xấu, kinh doanh gian dối sẽ bị trừng trị bởi pháp luật.
Lịch sử và hiện tại đã cho thấy những quốc gia coi trọng kinh doanh, buôn bán sẽ giàu có lên nhanh chóng, ngược lại những quốc gia xem thường kinh doanh buôn bán, xem thường giới doanh nhân sẽ sống trong nghèo đói. Các cường quốc trên thế giới trước đây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh đều là những quốc gia buôn bán xuyên biên giới với các đội tàu vận tải biển siêu lớn, có lực lượng hải quân bảo vệ việc kinh doanh và vận tải biển hùng hậu. Nhận thấy được điều này, người Mỹ đã nhanh chóng phát triển quốc gia hướng biển với lực lượng hải quân đứng đầu thế giới, chiếm giữ những vị trí biển đảo quan trọng dù rất xa đất liền của họ. Đã từng có giai đoạn mà 50% tàu bè vận chuyển, buôn bán đi lại trên hai đại dương (Thái Bình Dương và Đại Tây Dương) là của Mỹ.
Trong số 18 nền kinh tế tiên tiến của thế giới, giàu có nhất không một quốc gia nào không có biển và vận tải biển, cùng đội lực lưỡng hải quân hùng hậu. Nước Nga tuy có nhiều biển nhưng phần lớn bị đóng băng nhiều tháng trong năm, vận tải biển rất khó đó là lí do cho GDP của họ vẫn thấp so với các nước khác. Việc người Nga xác lập vùng lãnh thổ mới đây cũng là vì mục đích bảo vệ tuyến đường duy nhất ra biển không bị đóng băng của họ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.