Đọc bài viết Nghề chăm sóc người ốm lương triệu đồng một ngày mà tôi ngán ngẩm cho nghề nghiệp của mình. Tôi là một điều dưỡng, hiện đang làm việc tại một bệnh viện. Hàng ngày tôi chăm sóc từ 15-20 bệnh nhân, làm từ 7h sáng đến hơn 7h tối, mà lương chưa tới 6 triệu đồng, sau khi đã trừ bảo hiểm xã hội.
Trong khi một người chăm sóc chỉ một người bệnh già lương đã gần 600 nghìn đồng một ngày, một tháng 18 triệu đồng. Dĩ nhiên thời gian 24/24 khác với xoay tua trực, nhưng sự chênh lệch lớn như vậy là rất bất hợp lý.
Hiện nay nghề điều dưỡng chưa thực sự được xem trọng. Khi người bệnh nhập viện, người nhà phải lo chăm sóc, hoặc phải thuê người ngoài chăm sóc với chi phí cao hơn nhiều như thế, nhưng chất lượng và trình độ y tế sẽ không thể bằng người được đào tạo chuyên nghiệp được.
Phần việc trong bệnh viện, điều dưỡng làm đến 70% nhưng, nó được xem là lao động chân tay trong bệnh viện: đẩy người bệnh đi mổ, đẩy người bệnh từ phòng mổ về phòng nằm, vệ sinh, thay băng gạc y tế, tiêm thuốc, rửa vết thương...
Nghề điều dưỡng có công việc khổ nhất, dễ bị tổn thương nhất, dễ bị lây nhiễm bệnh truyền nhiễm nhất, đứng nhiều nhất, đi cũng nhiều nhất, thức đêm hôm để thực hiện kỹ thuật y tế, chăm lo vệ sinh cho người bệnh.
Thế nhưng điều chúng tôi nhận được lại là những sự chua chát: chịu nhiều áp lực từ nhiều phía, kể cả người bệnh lẫn người nhà bệnh nhân. Nhiều lúc, tôi và đồng nghiệp bị người nhà bệnh nhân quát tháo vì chúng tôi không phải là bác sĩ.
Trong thời gian làm việc, tôi cũng chứng kiến nhiều đồng nghiệp bỏ nghề. Người thì lấy chồng, sinh con nên buộc phải nghỉ để đi buôn bán kiếm nhiều tiền hơn. Người thì môi trường làm việc máu me, bệnh tật nhiều nên bị rối loạn tinh thần...
>> Hệ luỵ bác sĩ 'chân trong, chân ngoài'
Trong khi đó, nhiều lần tôi ngại và không biết giải thích sao mới người thân khi họ khuyên tôi bỏ nghề bởi lý do: con ông chú, ông bác cũng đi làm điều dưỡng ở Nhật kiếm mỗi tháng mấy chục triệu, gửi tiền về phụ giúp gia đình.
Tôi hiểu rõ, nếu tôi và đồng nghiệp ra làm ở bệnh viện tư, thu nhập sẽ cải thiện hơn nhiều, nhưng lúc đó bệnh nhân ở viện công sẽ là người thiệt thòi. Tôi cũng hiểu là bệnh viện công có cơ chế đặc thù, nhiều lãnh đạo các bệnh viện đã phải làm việc với pháp luật. Ngành y bây giờ như chim sợ cành cong.
Nhưng chính vì thế, rất cần những cải cách, cơ chế mới để đảm bảo cho người bệnh lẫn nhân viên y tế. Ngoài việc kêu gọi tăng lương cho bác sĩ, điều dưỡng cũng cần được tăng lương để đảm bảo cuộc sống gia đình thì mới an tâm gắn bó làm việc.
Ha Thu
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.