Sự kiện trên càng cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong ngành Y tế, bảo hiểm y tế...
Việc thứ nhất: Bệnh viện thiếu thuốc và để bệnh nhân phải tự đi mua thuốc ngoài thay vì được cấp phát thuốc bảo hiểm.
Chúng ta đã biết là người dân khi mua bảo hiểm y tế thì sẽ được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc trong danh mục được bảo hiểm. Vậy thì thay vì người dân trả tiền cho bệnh viện và đi thanh toán với bảo hiểm (bảo hiểm tư) thì bệnh viện sẽ không thu bệnh nhân mà tích vào phần bảo hiểm để quyết toán với bảo hiểm (bảo hiểm công).
Quỹ bảo hiểm ngày càng áp lực thu chi khi hàng năm thanh toán cho bệnh nhân rất lớn. Điều này dẫn đến cơ quan bảo hiểm thắt chặt trong việc thanh toán. Không thể phủ nhận từ việc thắt chặt, kiểm soát này có thể kiểm soát nhiều hoạt động trục lợi bảo hiểm nhưng bên cạnh đó cũng dần bộc phát một số mâu thuẫn với các đơn vị Y tế.
Ví dụ: Bệnh nhân sau khi ra viện và được thanh toán đối tượng bảo hiểm là xong. Sau đó bệnh viện thực hiện quyết toán với bảo hiểm. Lúc này, cơ quan bảo hiểm bắt đầu rà soát và bắt đầu cắt việc thanh toán nếu không thấy đúng: tên dịch vụ không chuẩn theo tên danh mục kỹ thuật được bảo hiểm, thuốc vật tư sử dụng cho bệnh nhân không qua đấu thầu...
>> Tôi chỉ cảm thấy ấm áp ở nhà ăn bệnh viện
Từ đây, bắt đầu xảy ra mâu thuẫn, khi các bệnh viện đã thực hiện xong dịch vụ nhưng sau đó vài tháng mới được quyết toán hoặc không thống nhất thì thậm chí cả năm và bảo hiểm nợ có khi tính bằng năm.
Quay lại bệnh viện, nếu được chọn đương nhiên họ muốn thu ngay của bệnh nhân cho xong, đằng này phải đi làm việc với bảo hiểm, vừa đau đầu vừa dai dẳng mà lúc nào cũng bị cắt không nhiều thì ít.
Quy định như vậy, nên khi thuốc vật tư đấu thầu chưa xong thì đương nhiên khi kê phát cho bệnh nhân sẽ không được bảo hiểm thanh toán và bệnh viện không thể bỏ tiền ra được từ đó dẫn tới việc kê thuốc cho bệnh nhân tự mua ngoài.
Việc này ảnh hưởng rất nhiều bệnh nhân nên mới gây chú ý. Vì bệnh hiếm nên thuốc dùng cho bệnh nhân không được dự trù (vì bệnh hiếm có thế có bệnh nhân hoặc không mà thuốc thì có hạn sử dụng), không qua đấu thầu nên người bệnh phải tự đi mua thuốc cho mình, mà đáng lẽ họ được phát bảo hiểm.
Việc thứ hai: Dừng thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân thực hiện dịch vụ trên máy đặt mượn.
Vì sao có việc đặt, mượn thiết bị y tế tại bệnh viện? Việc này diễn ra như thế này: Các công ty đến các bệnh viện và đề xuất đặt thiết bị (phần lớn là thiết bị xét nghiệm) và bệnh viện đấu thầu hoá chất cho máy để sử dụng. Phần lớn và thiết bị đặt sử dụng hoá chất đóng (hoá chất của hãng đặt) nên các công ty này thường trúng thầu hoá chất cung cấp luôn.
Nhưng vì thiết bị xét nghiệm thường rất nhiều tiền nên các công ty đặt thường đề xuất đặt ở những bệnh viện lớn, có số lượng bệnh nhân xét nghiệm đông có đủ số lượng và tối thiểu đặt 5 năm trở lên. Về phía bệnh viện, đây là giải pháp hữu ích, giống như kiểu trả góp vậy và đáp ứng yêu cầu phục vụ khám chữa bệnh.
Trên thực tế các bệnh viện cũng từng xã hội hoá thiết bị (liên doanh, liên kết mua thiết bị đặt vào, thu dịch vụ, chi trả chỉ phí và chia lợi nhuận cho các bên), tuy nhiên không hiệu quả vì lợi nhuận chẳng được là bao.
Do vậy việc đặt thiết bị là một hình thức trả góp dần chi phí thiết bị thông qua mua hoá chất, do đó lợi ích thu từ dịch vụ trên thiết bị xét nghiệm thì không nhiều, nhưng xét nghiệm là một hoạt động trong chuỗi hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện nên bệnh viện thu từ các hoạt động khác khi đáp ứng tốt nhu cầu xét nghiệm của bệnh nhân.
Ngoài ra các bệnh viện chịu áp lực về khám chữa bệnh, không thể bệnh viện có hai máy chạy xét nghiệm thì chỉ nhận khám 50 bệnh nhân/ngày mà từ chối những bệnh nhân còn lại, do đó đương nhiên lợi ích của việc đặt máy là rất lớn.
>> 4 thái độ bác sĩ khi tôi đi khám khối u
Từ 5 năm trước, các Bộ, ngành đã họp lên xuống về vấn đề này và đã dừng máy đặt, mượn từ năm 2018. Nhưng đó là máy đặt, mượn trước trúng thầu hoá chất còn Bộ Y tế vẫn đề xuất cho thanh toán dịch vụ thực hiện trên máy đặt, mượn sau trúng thầu hoá chất.
Ngày 9/5/2022, Bộ Y tế bãi bỏ công văn đề xuất thanh toán trên máy đặt, mượn sau trúng thầu. Sau đó, BHXH gửi văn bản cho các đơn vị liên quan về việc dừng thanh toán này.
BHXH cho rằng máy đặt mượn không có quy định nào nên từ lâu luôn đề xuất dừng (mục đích bảo vệ quỹ bảo hiểm). Điều này đúng về quy định là không có, tuy nhiên trên thực tế máy đặt, mượn vô cùng hữu ích cho các bệnh viện trong việc khám chữa bệnh cho người dân. Vì sao đặt, mượn thiết bị y tế thì phải nhìn vào cái gốc của vấn đề dưới đây.
Việc thứ ba: Xây dựng định mức trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế
Mục đích ban hành định mức trang thiết bị cho các cơ quan nhà nước là nhằm mua sắm tiết kiệm tránh lãng phí, nhưng khi áp đặt lên các bệnh viện, vô hình dung làm kìm sự phát triển của bệnh viện. Một bệnh viện tự chủ 100% chi thường xuyên mà vẫn chỉ được mua số lượng trang thiết bị y tế nhất định tối đa trong định mức, muốn mua thì phải xây dựng kế hoạch trước 3 năm chưa kể đề xuất các cấp quản thì có thể bị cắt đi.
Ngành Y tế phục vụ nhân dân cũng cấp cứu như phòng cháy chữa cháy mà mua trang thiết bị phải có định mức, điều này dẫn đến dần dần các bệnh viện công sẽ thụt lùi cả công nghệ và chất xám. Hiện nay, đã bắt đầu làn sóng các bác sĩ chất lượng cao chuyển sang bệnh viện tư làm do cả cơ chế quản lý, môi trường làm việc. Các bệnh viện công đã từng có một khoảng thời gian phát triển mở, nhưng các quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý không kịp thời, thiếu quy định đã dẫn đến một pha phanh gấp như hiện nay.
Một phần của việc đặt, mượn thiết bị y tế cũng xuất phát từ việc khó khăn trong công tác mua sắm thầu thiết bị vì mua sắm, thuê thiết bị thì phải có định mức. Trên thực tế bệnh viện 200 giường thì định mức số lượng thiết bị thế này, 500 giường thì số lượng thế kia nên ngoài định mức bệnh viện không được mua thêm.
>> 'Cò' bệnh viện cướp chỗ bệnh nhân
Đây là một sự thụt lùi, người bệnh có quyền ngày càng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh càng ngày càng cao lên, tại sao phải có định mức thiết bị? Nếu bệnh viện tự chủ được thu chi thì tại sao không để bệnh viện mua nhiều thiết bị phục vụ chất lượng tốt nhất mà phải định mức số lượng thiết bị trên người bệnh (trong quá trình sử dụng có thiết bị hỏng bất ngờ, nếu định mức luôn tính trên lý thuyết đẹp đẽ thì lúc thực tế không có thiết bị dự phòng mà phục vụ bệnh nhân).
Vì thế, đặt máy là phương án hữu hiệu nhất giải quyết vấn đề trên cho cả bệnh viện khi số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn thường gấp 2,3 lần giường kế hoạch.
Ý kiến của người dân rất đúng. Quyền lợi người bệnh đương nhiên được hưởng tại sao vì chậm thầu hay đặt máy tại bệnh viện lại ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Nhưng bệnh viện cũng có cái lý của họ khi bảo hiểm không thanh toán thì họ cũng chịu. Cơ quan bảo hiểm cũng đúng khi không thanh toán vì không có quy định. Vậy sai ở đâu?
Sai ở chỗ các cơ quan quản lý đã không theo kịp sự phát triển của xã hội, đưa ra các quy định chung chung hoặc thiếu quy định cụ thể cho nhiều vấn đề nóng của xã hội. Nếu như trước đây các cơ quan có thể linh hoạt trong hoạt động thì hiện nay linh hoạt có thể quy vào tội làm trái các quy định Nhà nước, mà các quy định Nhà nước còn yếu còn thiếu thì đương nhiên sẽ xảy ra nhiều.
Sắp tới, sẽ thấy còn nhiều bất cập bắt đầu hiện ra: Thiếu thuốc, vật tư, thiết bị trong bệnh viện trong khi hàng hoá thị trường đầy ra... Bệnh nhân có thể phải thêm bệnh đau tim vì những ý kiến "bất bình thường" từ cơ quan quản lý. Lúc đó có thể bệnh viện công sẽ phục vụ người nghèo và bệnh viện tư sẽ phục vụ người giàu?
>> Bác sĩ phán tôi bị 'xơ gan giai đoạn cuối' dù sức khỏe bình thường
Tôi nghĩ BHXH và các bộ ngành liên quan ngồi với nhau để đề xuất phương án để giải quyết, không thể chỉ biết lo riêng ngành mình mà làm người dân thiệt thòi. Người dân được hưởng đúng quyền lợi của mình thì phải để họ được hưởng tối đa. Cái gì chưa có quy định thì chính các bộ, ngành phải đề xuất Chính phủ đưa ra quy định chứ không phải thấy không có quy định là dừng và đẩy mọi thiệt thòi cho người dân nhận.
Nguyễn Quỳnh Phương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.