Nhiều người chỉ nói đến thái độ tiêu cực từ phía các nhân viên y tế nhưng không đưa ra nguyên nhân nào dẫn đến thái độ đó. Dù ở môi trường nào thì cũng có người "được", người "chưa được", cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.
Khi đi làm thì không ai muốn cau có, gắt gỏng người khác. Nếu giữa bệnh nhân và bác sĩ có sự phối hợp tốt thì mọi chuyện đều tốt đẹp hơn.
Bệnh nhân nên xem kỹ các bảng hướng dẫn ở nơi mình khám, khi không rõ mới nên hỏi (nhân viên y tế không thể lúc nào cũng trả lời hết cho mọi người, vì họ có công việc của mình không thể phân tâm quá nhiều), tìm đường đi thì hãy hỏi các anh bảo vệ.
Bệnh nhân cũng không nên đòi hỏi quá nhiều thời gian thăm khám vì còn rất nhiều người phía sau đang chờ, mà hãy tận dụng sao cho có ích nhất thời gian mình được khám.
Kiên nhẫn chờ đến lượt khám, chú ý lắng nghe bác sĩ hướng dẫn khi khám, chỉ hỏi khi thật cần thiết (như khả năng tài chính không phù hợp đơn thuốc, uống thuốc bị tác dụng phụ, khó uống thuốc viên,... ) còn cách dùng thuốc thì đã có bên bán thuốc ghi sẵn hoặc chịu khó xem trong toa (không nên hỏi bác sĩ khám vì nó là câu hỏi thừa, mà hầu như bệnh nhân nào cũng hỏi), không nói chuyện ngoài phạm vi bệnh của mình. Chỉ cần nhiêu đó thì các bác sĩ đã được giảm áp lực rất nhiều.
Ngành y tế cũng nên tổ chức sao cho giảm áp lực cho các nhân viên của mình, khi quá tải thì năng lượng tiêu cực sẽ phát sinh, và phải bảo vệ cho sức khoẻ thể chất và cả tinh thần luôn. Chấn chỉnh cả công tác đào tạo nhân lực về chuyên môn.
Thông thường nhân viên y tế bị áp lực lớn từ công việc, đang bù đầu thì nhiều người cứ xúm vô hỏi những việc ngoài luồng, thậm chí những cái đã ghi sẵn trên tường, hoặc quy định là vậy nhưng vẫn cố cãi lại, nên nhiều nhân viên không giữ được bình tĩnh sẽ có thái độ tiêu cực.
Cái đúng là khi lương thấp thì nhân viên sẽ có tâm trạng và tâm lý không tốt để bắt đầu làm việc, mức chịu đựng của họ sẽ thấp hơn bình thường (ai đang trong tâm trạng bất bình thì cũng dễ thiếu kiềm chế cảm xúc).
>> 'Lương bác sĩ mới ra trường không nổi hai triệu đồng'
Khi lương tương xứng thì ai đi làm cũng vui vẻ, nhưng không phải vì thế mà không xảy ra cãi nhau, đặc biệt khi gặp bệnh nhân hoặc thân nhân cho rằng trình độ của mình hơn bác sĩ hoặc "tôi đóng nhiều tiền thì mọi người phải nghe tôi".
Ở một bệnh viện đang quá tải, thì rất cần sự phối hợp của bệnh nhân để giảm áp lực cho y bác sĩ. Quá đông thì bệnh nhân không thể đòi hỏi y bác sĩ dành nhiều thời gian hơn cho mình. Cũng không nên đòi hỏi họ luôn tươi cười, ân cần vì cái cần là để y bác sĩ tập trung tốt nhất cho chuyên môn.
Chỉ hỏi khi thật cần thiết liên quan đến bệnh, tác dụng phụ của thuốc, tiền thuốc, khó uống thuốc (nhất là trẻ em), còn liều lượng cách dùng đã có ở toa nên không nên hỏi. Việc đầu tiên khi đến khám bệnh là bệnh nhân nên đọc các hướng dẫn, bảng chỉ dẫn trước khi hỏi và hỏi ở bàn hướng dẫn hay nhân viên bảo vệ
Minh LQ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.