Theo Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Số điều dưỡng trên một bác sĩ nước ta cũng rất thấp. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, Nhật Bản đến 9-10 điều dưỡng, còn Việt Nam một bác sĩ chưa đến hai điều dưỡng. Tình trạng này khiến công việc của các điều dưỡng, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến cuối, rất áp lực. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, số điều dưỡng nghỉ việc tăng cao, càng gây thêm nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim tại một bệnh viện đa khoa hạng một tại TP HCM, trước đây có khoảng 26-27 điều dưỡng, nay chỉ còn 13 người. Các điều dưỡng nghỉ việc rải rác trong hai năm qua, một số chuyển qua bệnh viện tư nhân, một số ít chuyển nghề khác như phụ giúp công việc buôn bán của gia đình, bán hàng online...
Lý do nghỉ việc đa số do công việc áp lực, căng thẳng, liên quan sinh mạng người bệnh, trực đêm nhiều, môi trường nhiều nguy cơ lây nhiễm, vướng bận con nhỏ. Trong khi đó, thu nhập những người làm lâu năm chỉ khoảng 7-9 triệu đồng mỗi tháng, không đủ chi trả nhu cầu cuộc sống ở thành phố lớn. Chưa kể, với tình trạng một số vật tư giá rẻ, chất lượng thấp trung thầu vào bệnh viện, công việc của điều dưỡng vất vả hơn. Các đơn vị y tế tư nhân có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn khu vực y tế công.
"Tua trực trước đây có 5 điều dưỡng giờ chỉ còn 3, những người còn lại phải gồng gánh công việc nhiều hơn. Mấy tuần gần đây, do thiếu vật tư, số ca mổ giảm, mọi người có thể cố gắng cầm cự nhưng về lâu dài sẽ rất khó", bác sĩ trưởng khoa nói và cho rằng "những bất cập dồn dập hiện nay nếu không kịp thời giải quyết, rất dễ dẫn đến khủng hoảng ngành y".
Tại một cuộc họp cuối tháng 8, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết: "Gần đây, ngày nào tôi cũng phải ký giải quyết nghỉ việc cho nhân viên y tế, không chỉ y tế tuyến cơ sở mà phần đông là bác sĩ, điều dưỡng các bệnh viện công lập". Hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, nếu tuyển dụng được người mới thì cũng cần thêm nhiều thời gian đào tạo, huấn luyện.
Theo ông Thượng, khó khăn nhất lúc này là nhân lực điều dưỡng, bệnh viện nào cũng than chưa bao giờ khó tuyển điều dưỡng như hiện nay. "Bác sĩ có thể làm phòng mạch để tăng thêm thu nhập, nhưng điều dưỡng lại hoàn toàn trông chờ vào đồng lương nhà nước", ông nói.
Sáu tháng đầu năm, ngành y tế TP HCM có 874 nhân viên y tế thôi việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Năm 2021 thành phố ghi nhận 1.154 nhân viên y tế thôi việc. Còn Bộ Y tế công bố năm 2021 và 6 tháng đầu năm cả nước có 9.680 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc, gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, còn lại là nhân viên, viên chức khác.
Nghề cực nhọc, thu nhập bèo bọt
Ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, nói rằng 60-70% công việc của bệnh viện là do người điều dưỡng thực hiện. Dịch vụ của điều dưỡng nhiều nhất, trực tiếp nhất, thường xuyên nhất, là người đầu tiên và cuối cùng đối với bệnh nhân khi vào viện và ra viện.
"Là lực lượng lao động chính nhưng vai trò của điều dưỡng Việt Nam chưa được nhìn nhận đúng vị trí, vai trò, công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập thấp, chưa được coi trọng, ít cơ hội phát triển nghề nghiệp", ông Mục chia sẻ.
Như điều dưỡng Mai, làm việc tại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS liên tục đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh. Mỗi ngày, chị chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân, từ vệ sinh đến các thủ thuật y tế khác. Chị cho biết, bệnh nhân giai đoạn cuối mang nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội, lở loét khắp mình. "Có bệnh nhân phải cuộn mình trong hàng chục tấm drap giường để thấm huyết tương liên tục rỉ ra nên cứ vài giờ phải thay một lần", chị nói. Ngoài ra, chị và đồng nghiệp còn chăm sóc đời sống tinh thần, hỗ trợ người bệnh vì họ không có người nhà.
Chị kể, khó khăn lớn nhất của điều dưỡng là nguy cơ lây nhiễm, như lúc lấy máu hoặc tiêm tĩnh mạch thất bại, giẫm lên kim tiêm... Ngoài ra, xử lý rác thải như phân loại vật bén nhọn, nguy hiểm, rác y tế, rác sinh hoạt, thùng chứa rác nguy hiểm không đúng cách... cũng có nguy cơ. Khó khăn khác là nguy cơ bị hành hung khi bệnh nhân thèm thuốc hoặc có vấn đề tâm lý.
Điều dưỡng Sơn 28 tuổi, làm việc tại Khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU) một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, 3h sáng 17/9 vẫn còn cùng 4 đồng nghiệp luôn tay luôn chân xử trí, tiếp nhận các ca cấp cứu, trong khi tiếng còi xe cứu thương không ngừng vang lên đưa bệnh nhân nặng từ tuyến dưới đến. Khoa ICU mỗi ngày tiếp nhận hơn 200-250 bệnh nhân, trong đó khoảng 70% là bệnh nặng. Nơi đây được xem đầu sóng ngọn gió, là "chuyến xe định mệnh cuối cùng" của bệnh nhân, tính chất công việc rất căng thẳng.
Khoa của anh có khoảng 20 bác sĩ và 80 điều dưỡng, nhưng "thực tế luôn ít hơn bởi có người nghỉ ốm, nghỉ phép, đi công tác". Trong mỗi ca trực, hai bác sĩ và 10 điều dưỡng chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ thực hiện y lệnh thuốc, tắm giặt, vệ sinh cá nhân, ăn uống. Cứ cách khoảng ba giờ, điều dưỡng đi kiểm tra, theo dõi chỉ số sinh tồn bệnh nhân. Riêng khu vực tiếp nhận bệnh, có nhiều khâu cần xử lý nên được bố trí 5 nhân sự - gần một nửa thành viên kíp trực, song "lúc nào cũng quá tải", anh Sơn nói.
Khối lượng công việc lớn, mỗi tuần trực 2-3 đêm nhưng tháng lương cao nhất của anh chỉ khoảng 9 triệu đồng, bao gồm các khoản phụ cấp. "Số người nghỉ việc ngày càng nhiều, người được tuyển mới thường chưa nhiều kinh nghiệm, trong khi điều dưỡng ngành hồi sức cấp cứu đòi hỏi phải thông thạo các loại máy móc, mất thời gian đào tạo khiến công việc người cũ càng vất vả", nam điều dưỡng bày tỏ. Những ca trực đêm, anh và đồng nghiệp hầu như không có thời gian chợp mắt.
Giữ chân điều dưỡng
Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam hiện có 43 trường đại học đào tạo hơn 5.000 điều dưỡng, 100 trường cao đẳng đào tạo 30.000 điều dưỡng, 50 trường trung cấp đào tạo khoảng 15.000 điều dưỡng. Do đó, ông cho rằng Việt Nam không thiếu điều dưỡng, thậm chí còn cung cấp nhân lực cho nước ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa đạt được mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là một bác sĩ cần có 3-4 điều dưỡng. "Đã có nhiều cơ chế và chính sách nâng cao chất lượng song còn nhiều vướng mắc nên chưa thể tăng thêm nhân lực điều dưỡng như khuyến cáo", ông nói.
Trước bối cảnh đó, tuần trước, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ngành y ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi người lao động. Ngành y tế kỳ vọng sẽ giải quyết một phần bài toán nhân viên y tế nghỉ việc nếu tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ, giảm bớt khó khăn.
Trong khi chờ đợi chính sách, các bệnh viện tiếp tục nỗ lực tìm cách giữ chân điều dưỡng. Theo lãnh đạo một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối tại TP HCM, trước làn sóng điều dưỡng nghỉ việc sau dịch Covid-19 song song với việc tuyển mới, bệnh viện tăng cường dịch vụ khám bệnh ngoài giờ, tạo điều kiện để điều dưỡng sau giờ làm chính thức có thể làm thêm để nâng thu nhập.
Điều dưỡng Sơn nói rằng chính niềm vui khi cứu sống được một người bệnh đã giữ chân anh ở lại viện chứ không phải thu nhập. "Tôi sống một mình, ở viện nhiều hơn ở nhà nên không chi tiêu nhiều. Chưa bao giờ tôi nghĩ đi làm vì lương, bởi thu nhập ít ỏi chỉ đủ ăn uống qua ngày", anh nói song bày tỏ không tránh khỏi lo lắng "sau này có gia đình sợ không trang trải đủ".
Trong đêm trực mới đây, một nữ bệnh nhân 32 tuổi ngừng tim ngay trên đường được kíp của anh Sơn vận chuyển vào khoa. Anh kích hoạt máy ép tim nhưng máy gặp sự cố. Một điều dưỡng leo lên cáng ép tim bệnh nhân bằng tay, ba người còn lại tiếp tục đẩy cáng đưa nhanh người bệnh vào cấp cứu. May mắn, người bệnh vượt qua tử thần. "Ca cứu sống bệnh nhân này tiếp thêm động lực cho tôi và đồng nghiệp bám trụ với nghề", nam điều dưỡng chia sẻ.
Lê Phương - Thùy An