Thứ hai, 25/2/2019, 15:42 (GMT+7)

Dân Trung Quốc hy vọng Triều Tiên mở cửa sau thượng đỉnh Trump - Kim

Người dân Đan Đông, thành phố Trung Quốc cách Triều Tiên chỉ một con sông, hy vọng kinh tế phát triển nếu Triều Tiên mở cửa.

Phố đi bộ Cao Ly ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc hôm 23/2. Ảnh: AP.

Phố đi bộ Cao Ly ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc hôm 23/2. Ảnh: AP.

Khi đoàn tàu màu xanh lá cây chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chậm rãi đi qua cây cầu Hữu nghị Trung Triều vào thành phố Đan Đông, Trung Quốc tối 23/2, không nhiều người dân địa phương chú ý tới nó, theo AP.

"Tôi thực sự không biết nhiều về điều này", Shi, 79 tuổi, một nông dân địa phương nói khi đi bộ dọc theo sông Áp Lục, nơi đoàn tàu bọc thép của lãnh đạo Triều Tiên đã băng qua trên đường tới Việt Nam gặp thượng đỉnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến vào ngày 27-28/2.

Vài thập niên qua, Triều Tiên dần trở nên xa lạ với người Trung Quốc. Rất nhiều người tại đất nước láng giềng này coi Triều Tiên là một điểm đến để thỏa chí tò mò và Đan Đông trở thành cửa ngõ du lịch vào Triều Tiên.

Ban ngày, những người bán hàng rong mời chào khách mua ống nhòm, ngồi thuyền và mua bộ sưu tập đồng tiền Triều Tiên, còn đến tối, những bảng quảng cáo đèn LED chiếu sáng các tòa chung cư cao tầng. Sinuiju, thành phố Triều Tiên đối diện Đan Đông, cách sông Áp Lục chưa đầy một km, lặng lẽ nằm đó, với vài cần cẩu bất động và mấy chiếc thuyền neo gần bờ.

Nhưng nhiều người ở Đan Đông, thành phố biên giới có hơn hai triệu dân, kỳ vọng nếu Triều Tiên mở cửa, họ sẽ là người đầu tiên hưởng lợi.

"Đan Đông là thành phố biên giới lớn nhất Trung Quốc", Liu Yujun, một người từng làm thương nhân ở Đan Đông, cho biết giá bất động sản ở đây đã tăng lên cùng kỳ vọng về sự hòa giải giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. "Nền kinh tế của họ sẽ kéo theo Đan Đông cùng phát triển. Nếu họ mở cửa, chúng tôi có thể đầu tư vào Triều Tiên".

Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với suy giảm tồi tệ nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Triều Tiên cũng tác động mạnh tới thương nhân Đan Đông trong những năm qua, khi một số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân viên hoặc chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh khác, cựu giám đốc điều hành một công ty vận tải cho hay.

Tuy nhiên, sự ấm lên bất ngờ trong mối quan hệ trên bán đảo Triều Tiên vài năm qua làm dấy lên suy đoán các lệnh trừng phạt sẽ sớm được nới lỏng. Các nhà đầu tư đổ xô vào mua căn hộ, buộc chính quyền Đan Đông phải ban hành quy định mới về bất động sản hồi tháng 5 năm ngoái. Ở phía bên kia sông Áp Lục thuộc đất Triều Tiên, một tòa nhà cao, hình trụ bằng xi măng đang mọc lên, dấu hiệu mới của sự phát triển.

Shi cho rằng nếu Triều Tiên không tiếp tục đầu tư quá nhiều vào nỗ lực nghiên cứu tên lửa, vũ khí hạt nhân và chấp nhận mở cửa kinh tế và thương mại, kinh tế nước này sẽ bùng nổ.

Người dân ngồi bên sông Áp Lục ở Đan Đông, nhìn sang bên kia Triều Tiên hôm 23/2. Ảnh: AP.

Người dân ngồi bên sông Áp Lục ở Đan Đông, nhìn sang bên kia Triều Tiên hôm 23/2. Ảnh: AP.

Các chuyên gia dự đoán trong hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Trump tại Hà Nội, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ tìm kiếm một cam kết cải thiện quan hệ song phương với Mỹ, nới lỏng lệnh trừng phạt trong khi cố gắng giảm thiểu bất kỳ nhượng bộ nào về chương trình vũ khí và hạt nhân của mình.

Trong lúc ông Kim muốn coi chương trình hạt nhân, tên lửa như một đòn bẩy để đàm phán lợi ích kinh tế và an ninh cho Triều Tiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ liệu ông có sẵn lòng dỡ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân hay không.

Tuy nhiên, Xiao Yue, một người bán thực phẩm ở Đan Đông, không quá quan tâm tới khía cạnh chính trị của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra. Cô chỉ ước ao một điều giản dị, rằng một ngày nào đó, cô có thể tự do đi lại và trò chuyện với người Triều Tiên. "Điều đó sẽ giúp người dân hai nước chúng tôi giao lưu với nhau, cả về văn hóa và nhiều lĩnh vực khác", Xiao nói.

Hồng Hạnh

 

Chia sẻ bài viết qua email