Bệnh nhân Nguyễn Văn Mạnh (98 tuổi, Hà Nội) được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng đau ngực sau xương ức, cảm giác nặng tức kèm khó thở. Theo BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Khoa Tim mạch, các kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị giảm vận động 1/2 vách liên thất; hẹp gần tắc đoạn đầu động mạch liên thất trước, là một trong 3 nhánh chính, quan trọng của hệ động mạch vành.
Bệnh nhân cao tuổi kèm theo nhiều bệnh lý nền thì can thiệp mạch có nguy cơ rủi ro cao. Tuy nhiên trong tình trạng cấp cứu, các bác vẫn quyết định thực hiện can thiệp tim mạch. Sau 30 phút can thiệp, dòng chảy trong lòng động mạch vành được tái lập. Hiện sức khoẻ bệnh nhân ổn định và đang kết hợp với tập phục hồi chức năng.
Bác sĩ Hưng cho biết: Với người lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đội ngũ bác sĩ can thiệp chọn giải pháp tái thông vị trí tắc nghẽn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt một stent (giá đỡ mạch vành) vào vị trí tắc nghẽn để đảm bảo lưu thông, duy trì quá trình tưới máu cho cơ tim.
Đặt stent là phương pháp xâm lấn tối thiểu sử dụng các ống thông nhỏ luồn qua mạch máu theo đường động mạch ngoại biên, từ đó đưa vào động mạch vành để chụp, xác định tổn thương. Sau khi xác định tổn thương, các bác sĩ sẽ tiến hành tái thông đoạn hẹp, mở rộng đoạn hẹp, gia cố bằng các stent để đảm bảo lưu thông tốt cho mạch máu tim.
Theo bác sĩ Hưng, với phương pháp này, người bệnh có thể phục hồi nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện. BVĐK Tâm Anh trang bị phòng mổ Hybrid với các thiết bị hiện đại nên khi có chỉ định bệnh nhân được can thiệp ngay. Vì vậy, hiệu quả tái thông dòng máu cao, hạn chế được biến chứng do thiếu máu cơ tim kéo dài.
Thời gian "vàng" cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu tim mạch với nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người bệnh tuổi càng cao tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim càng lớn. Theo một nghiên cứu đăng trên Journal of Clinical Medicine năm 2020, trong hơn 30 năm qua, mặc dù tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim kèm sốc tim có giảm nhưng vẫn còn cao (từ 67,5% xuống còn 57,3%), đặc biệt tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân 75 tuổi vẫn còn ở mức báo động.
Bệnh nhồi máu cơ tim hình thành do mảng xơ vữa trên thành mạch, các mảng xơ vữa có thể gây hẹp lòng mạch từ mức độ nhẹ đến nặng, làm giảm tưới máu đến vùng cơ tim chi phối, khiến người bệnh cảm thấy giảm khả năng gắng sức, đau ngực khi gắng sức,... Nghiêm trọng hơn, khi mảng xơ vữa vỡ ra kích hoạt quá trình đông máu tạo ra các cục huyết khối gây tắc nghẽn toàn bộ dòng máu khiến cho cơ tim bị tổn thương một phần hoặc toàn phần. Nếu chậm trễ không được tái thông, vùng cơ tim này sẽ chết không thể hồi phục, gây ra các biến chứng nặng nề như vỡ tim, suy tim, cuối cùng là tử vong.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Long, bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhấn mạnh, người bệnh nhồi máu cơ tim cần được cấp cứu trong vòng 2-4 tiếng kể từ khi phát bệnh. Trường hợp không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể đối diện với các nguy cơ như chảy máu, trụy mạch, suy tim không thể phục hồi, tử vong. Việc can thiệp trên những bệnh nhân rất lớn tuổi, luôn là một thách thức trong điều trị bệnh mạch vành, đòi hỏi người bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức cũng như kỹ năng tốt để đảm bảo thành công cho ca can thiệp.
Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim như khó thở, buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh, mệt mỏi, choáng váng hoặc chóng mặt đột ngột,... người bệnh nên đến ngay cơ sở ý tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Việt An