Bà Nguyễn Thị Lan (84 tuổi, ngụ Lâm Đồng) nhập khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng đau tức vùng bụng, huyết áp tăng cao đến 170 mmHg, sức khỏe yếu. Trước đó, bệnh nhân khám tại bệnh viện địa phương, được cho thuốc hỗ trợ nhưng không hết đau.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng từ cách đây một năm. Vì lớn tuổi, kèm theo nhiều bệnh mạn tính nặng (như hẹp động mạch vành, bệnh thận mạn tính giai đoạn 4, thiếu máu nặng...), tình trạng được đánh giá nguy cơ cao khi thực hiện phẫu thuật cắt khối phình hoặc thủ thuật đặt stent graft động mạch chủ. Trước đó, dịch Covid-19 đang bùng phát trên cả nước nên bà Lan gác lại việc điều trị. Hiện tại, khối phình của bệnh nhân lớn hơn 7 cm, nguy cơ vỡ cao nên bắt buộc phải can thiệp ngay.

Khối phình động mạch chủ bụng lớn gấp 4 lần bình thường của bệnh nhân qua hệ thống chụp CT 768 lát cắt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Dũng giải thích, ở người Việt Nam, kích thước động mạch chủ bình thường khoảng 18 mm (dưới 2cm). Động mạch chủ có kích thước từ 3 cm trở lên được chẩn đoán là phình, theo các nghiên cứu khi kích thước lớn hơn 5 cm thì nguy cơ vỡ túi phình cao, có thể lên tới 10% một năm. Trường hợp bệnh nhân này, khối phình lớn gấp 4 lần bình thường. Vì vậy, đội ngũ y bác sĩ tại khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực quyết định can thiệp nhanh nhất để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Đối với bệnh phình động mạch chủ bụng, phương pháp phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn khối phình và thay bằng ống ghép mạch máu nhân tạo. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân Lan, do tuổi đã cao kèm theo nhiều bệnh nền nên phẫu thuật không phù hợp vì có nhiều nguy cơ trong quá trình thực hiện, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Do đó, các bác sĩ quyết định chọn đặt stent graft trong lòng khối phình. Đây là phương pháp ít xâm lấn, thực hiện nhanh nên bệnh nhân không cần gây mê như phương pháp phẫu thuật truyền thống, hạn chế nguy cơ biến chứng sau mổ, rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân.
Theo đó, thông qua lỗ vào từ động mạch đùi của bệnh nhân, bác sĩ đưa các dụng cụ chuyên dụng trong lòng động mạch để tiếp cận khối phình động mạch chủ bụng, thực hiện đặt stent graft ngay tại đó. Lúc này dòng chảy trong lòng động mạch được điều chỉnh, máu lưu thông trong lòng ống mạch máu stent graft, không còn ra ngoài để gây áp lực lên thành khối phình động mạch chủ bụng, nguy cơ dọa vỡ cũng loại bỏ. Với kỹ thuật này, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ hoặc gây mê nhẹ nhàng trong suốt quá trình can thiệp nội mạch, nhanh hồi phục vì không có vết mổ lớn.
Thời gian thực hiện cấp cứu chưa đến 60 phút, ít xâm lấn song hiệu quả điều trị tương đương phẫu thuật và thời gian hồi phục được rút ngắn 1/2 so với trước. Với phẫu thuật truyền thống, thời gian nằm viện từ 7-10 ngày, cần từ 3-5 tháng để phục hồi sức khỏe. Trong khi đó, bệnh nhân đặt stent graft chỉ nằm viện 3-5 ngày, có thể hồi phục gần như bình thường chỉ sau một tháng.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng thăm khám cho bệnh nhân sau khi đặt stent graft thành công. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Chị Đặng Thị Mỹ Linh, con gái bệnh nhân chia sẻ: "Mẹ tôi có thể ăn uống bình thường sau khi đặt stent graft nên gia đình yên tâm. Trước đó, cụ mắc nhiều bệnh nền, người gầy ốm".
Sau khi thực hiện thủ thuật đặt stent graft, bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn sau một tuần xuất viện. Tùy tình trạng sức khỏe, người bệnh có thể tái khám sau 3-6 tháng để theo dõi, đảm bảo mạch máu lưu thông ổn định, không bị rò hay tắc.
Bác sĩ Dũng cũng lưu ý, 80% bệnh lý phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình. Khi có cảm giác đau tức vùng bụng nghĩa là có nguy cơ vỡ tương đối cao. Vì vậy, những người trên 65 tuổi, đặc biệt người có các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn chuyển hóa lipid... nên khám tầm soát sớm nhận đánh giá đúng tình trạng động mạch chủ bụng, có kế hoạch theo dõi hoặc can thiệp kịp thời.

Bệnh nhân chụp CT 768 lát cắt tầm soát bệnh lý tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị hệ thống máy móc hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy chụp cộng hưởng từ thế hệ mới; máy siêu âm tim, siêu âm mạch máu dựng hình ảnh 4D, hệ thống máy DSA chụp mạch vành 2 bình diện... giúp tầm soát, chẩn đoán chính xác. Từ đó, bác sĩ giúp can thiệp kịp thời, điều trị hiệu quả bệnh tim mạch, các bệnh mạch máu.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
Gia Hưng