Bệnh nhân Ngô Phú Vương (63 tuổi, Đồng Nai) chuyển đến BVĐK Tâm Anh TP HCM với những biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim cấp: đau thắt ngực dữ dội, khó thở, đau cánh tay trái. Đây là lần thứ ba ông Vương gặp phải cơn nhồi máu cơ tim. Ông từng đặt một stent lần đầu cách đây 13 năm, đặt thêm 3 stent cách đây 9 năm. Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá.
"Từ khi can thiệp đặt stent đến nay, bệnh nhân không đi tái khám, chỉ uống thuốc theo toa cũ. Đây chính là những yếu tố nguy cơ góp phần khiến ông bị tái phát cơn nhồi máu cơ tim", ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết.
Xác định đây là ca bệnh phức tạp, cần can thiệp xử lý, sau khi hội chẩn khẩn với sự chủ trì của PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, êkip can thiệp nong mạch vành cho bệnh nhân, nhanh chóng tái thông lòng mạch, phòng tránh nguy cơ đột tử có thể xảy ra.
BS. CKII Huỳnh Ngọc Long - Giám đốc Trung tâm can thiệp mạch, chia sẻ kết quả chụp DSA mạch vành cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn hai mạch máu nuôi tim (mạch vành phải và động mạch mũ), nhánh còn lại (liên thất trước) hẹp hơn 90%. Chính vì thế, mục tiêu của bác sĩ là nong nhánh mạch máu sắp tắc. Bởi lẽ, bệnh nhân chỉ còn lại một nhánh "độc đạo" này để đưa máu nuôi tim. Nếu xử lý không tốt trong quá trình đưa bóng vào, người bệnh có thể bị rung thất, tử vong.
Một khó khăn với các bác sĩ là đoạn mạch trước đây từng đặt stent. Vì vậy, lần tái hẹp này rơi vào tình huống "hẹp trong stent" rất nặng.
Bác sĩ Long giải thích, bản chất của hẹp trong stent khác với hẹp thông thường. Ở mạch máu hẹp thông thường, nguyên nhân là do mảng xơ vữa, cholesterol... tích tụ làm thu hẹp lòng mạch. Thế nên, khối hẹp này mềm, dễ nong. Trong khi đó, hẹp trong stent là sự tăng sinh của tế bào nội mạc (tương tự như cơ chế hình thành sẹo lồi). Lớp mô tăng sinh này bao quanh khung thép của stent, tạo nên một khối tổn thương bám chắc, rất cứng.
Ngoài ra, hình ảnh chụp mạch vành DSA cho thấy đoạn mạch liên thất trước bị hẹp còn đi ngang một "ngã ba" - giao với một mạch máu khác (nhánh xiên), chèn ép nhánh này. Do vậy, bác sĩ Long và êkip can thiệp mạch quyết định tiến hành thủ thuật Kissing Balloon - nong 2 bóng cùng lúc để mở rộng cả 2 nhánh.
Đầu tiên, một quả bóng cứng được đưa vào lòng mạch với áp lực cao (16 atm) để ép mô tăng sinh, stent cũ ra ngoài. Quá trình đưa bóng vào, làm xẹp bóng này (gọi là quá trình bơm bóng nhanh - xả bóng nhanh tránh rung thất) được tiến hành liên tục nhiều lần, mỗi lần trong tích tắc (từ 1-2 giây) để tránh nguy cơ rung thất. Sau khi nong nhánh liên thất trước, lòng mạch máu được nong từ từ cho đến khi đủ rộng để đưa ống stent vào. Vì đây là lần tái thông lòng mạch nên stent mới phải đảm bảo áp sát stent cũ, không có kẽ hở để giảm tỷ lệ huyết khối, nguy cơ tái hẹp về sau. Nhánh mạch máu xiên cũng nong thành công, mở rộng như mục tiêu đặt ra ban đầu.
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại ca thủ thuật diễn ra thuận lợi. Một ngày sau thủ thuật, bệnh nhân hết đau ngực, huyết áp ổn định, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, xuất viện sau 2 ngày.
"Tôi may mắn được cứu chữa kịp thời. Sau khi về nhà, tôi tuân thủ lời dặn của bác sĩ, tái khám đều đặn để phòng ngừa bệnh tái phát", ông Vương chia sẻ.
Bác sĩ Long cho biết, với sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) Philips Azurion Robotic Ceiling FlexArm kết hợp hệ thống IVUS - siêu âm trong lòng mạch vành lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ thực hiện kỹ thuật đặt stent kích thước lên đến 4-5mm. Điều này giúp giảm nguy cơ hẹp trong stent dẫn đến tái phát nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, nhờ kết hợp hệ thống phần mềm ứng dụng trong can thiệp tim mạch tiên tiến trên thế giới như: Cardiac Swing, Dynamic Coronary Roadmap, StentBoost Live, bác sĩ có thể rút ngắn thời gian can thiệp đồng thời giảm tối đa lượng thuốc cản quang đưa vào cơ thể bệnh nhân, giảm nguy cơ cho người bệnh suy thận, suy tim. Đặc biệt, hệ thống iFR giúp đo phân suất lưu lượng mạch vành không cần dùng thuốc Adenosin có ý nghĩa cho nhóm đối tượng không thể thực hiện kỹ thuật FFR thường quy như: bệnh nhân block AV, người bị dị ứng, hen suyễn.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Hạ Vũ