Chị Ánh uống thuốc điều trị bệnh cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp) một năm nay. Ba tháng gần đây, chị cảm giác có khối u giữa cổ gây khó nuốt, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra.
Ngày 23/8, ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết có nhiều nguyên nhân gây cường giáp, trong đó phổ biến nhất là bệnh Basedow. Bệnh xuất hiện do các kháng thể trong máu kích hoạt tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone. Loại cường giáp này có xu hướng phát triển trong gia đình, thường xảy ra ở phụ nữ tuổi 20-50.
Điều trị nội khoa bằng thuốc thường được lựa chọn đầu tiên để chữa trị cường giáp cho người bệnh. Mục đích là đưa lượng hormone tuyến giáp trở lại bình thường để giảm triệu chứng, bảo vệ sức khỏe tổng thể. Chị Ánh đã uống thuốc một năm mà triệu chứng không cải thiện, chứng tỏ không đáp ứng thuốc.
Theo ThS.BS. Nguyễn Hồng Vinh, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bệnh cần cắt gần hết tuyến giáp để giải quyết triệt để. Trước mổ, bác sĩ kê thuốc ổn định chức năng tuyến giáp cho người bệnh. Bởi nếu phẫu thuật khối u giáp khi chức năng tuyến giáp chưa ổn định dễ dẫn đến cơn bão giáp trạng (còn gọi cường giáp kịch phát) nguy hiểm tính mạng.
Sau hai tuần, chức năng giáp ổn định, êkíp phẫu thuật cho bệnh nhân. Vì mạch máu tăng sinh nhiều, bác sĩ cẩn trọng khi mổ, tránh mất nhiều máu, gây tổn thương dây thanh quản. Bác sĩ chừa lại một phần nhỏ mô giáp để duy trì sản xuất hormone của tuyến giáp. Chị Ánh tỉnh táo; không có biến chứng chảy máu, nhiễm trùng, khàn tiếng hay hạ canxi; được xuất viện sau hai ngày phẫu thuật.
Thông thường, vùng dưới đồi và tuyến yên trong não kiểm soát sản xuất hormone tuyến giáp. Khi hormone tuyến giáp ít, vùng dưới đồi báo hiệu cho tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Khi mắc bệnh Basedow, hệ thống miễn dịch tấn công các thụ thể TSH, dẫn đến tuyến yên báo hiệu tuyến giáp tăng sản xuất hormone.
Bệnh nhân cường giáp do Basedow không được kiểm soát tốt dễ gây biến chứng mắt như bọng mắt, viêm mắt, khô mắt, đỏ mắt, sụp mí mắt, cảm giác có sạn trong mắt, giảm thị lực... Người bệnh cũng dễ bị biến chứng da, đột quỵ, suy tim, loãng xương, bão giáp trạng, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, suy tuyến thượng thận.
Bệnh Basedow có thể chữa khỏi bằng phương pháp iốt phóng xạ, phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Phòng ngừa bệnh bằng cách ăn đủ iốt, nhiều rau củ quả và thịt nạc, các loại cá có dầu như cá hồi, cá trích, cá cơm, cá thu. Tránh thực phẩm giàu chất béo, lượng đường cao vì chúng có thể gây ra các bệnh tự miễn như Basedow và ảnh hưởng đến tuyến giáp. Người bệnh cần sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần một năm.
Thu Hà