Gần đây, có nhiều bài viết nói về tình trạng học thêm của học sinh tại nhà giáo viên chủ nhiệm. Một số phụ huynh không muốn con bị "trù dập" nên bất đắc dĩ cho con tham gia các lớp này. Riêng cá nhân tôi lại thấy không hẳn vậy. Điển hình là bạn tôi có con học tiểu học, năm nay cô giáo chủ nhiệm của lớp bé không dạy thêm. Thế là bạn cuống cuồng hỏi hết giáo viên này đến giáo viên khác để tìm chỗ cho con học thêm vào buổi tối.
Trong khi đó, từ thứ hai đến thứ sáu, cứ 7h sáng là con bạn đã phải có mặt ở trường, học bán trú cả ngày, đến ra về cũng đã 16h30. Về đến nhà, bé ăn tạm cái bánh rồi lại đi học thêm môn năng khiếu ở trung tâm. Khoảng 19h, con bạn về đến nhà, tranh thủ tắm rửa, ăn uống, rồi lại ngồi vào làm bài tập về nhà mà cô giao, học bài cũ, bài mới của ngày hôm sau... Lịch trình của bé dày đặc, đến nỗi thứ bảy, chủ nhật cũng phải đi học Tiếng Anh buổi chiều, còn buổi sáng ở nhà giải Toán trên mạng hoặc những bài không có trong sách giáo khoa... Tôi nghe xong mà thấy ái ngại.
Bản thân tôi cũng có con trai học tiểu học. Lúc nhỏ, vì sức khỏe của con không được tốt, nên tôi không cho con đi học mầm non. Đến khi con được năm tuổi thì lại trúng đợt Covid-19, nên cũng không đi học được. Thế là con không hề học bất kỳ chữ cái hay luyện viết gì trước khi vào lớp 1. Nhưng khi vào tiểu học, con vẫn theo kịp các bạn và hoàn thành tốt chương trình học trên lớp.
Tôi thấy các học sinh đã phải học cả ngày ở trường rất mệt mỏi, nên tối đến, tôi để con ở nhà nghỉ ngơi, tự làm bài tập về nhà chứ tôi không phải kèm, chỉ bài nào không làm được con mới hỏi. Hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi hỏi con xem có thích học thêm môn gì không? Con nói thích học Tiếng Anh nên tôi tìm lớp cho con học bốn tiếng mỗi tuần, vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật.
>> Dạy thêm làm gì khi có quá nhiều học sinh giỏi?
Thực ra, kinh tế của tôi dư sức cho con học thêm nhiều môn, nhưng tôi không chọn cách làm đó. Biết rằng con có nền tảng kiến thức ngay từ đầu sẽ thuận lợi hơn sau này, nhưng để bắt con học ngày, học đêm thì tôi không đành lòng. Trong khi đó, bạn tôi kinh tế eo hẹp nhưng vẫn cố chắt chiu từng đồng để bắt con học thêm đủ thứ.
Ở đây, tôi không nói là cách giáo dục của mình tốt hơn họ. Tôi chỉ muốn chia sẻ cách nuôi dạy con của mình, không đặt áp lực nặng nề, bắt con phải bằng con nhà người ta.
Ngày xưa, lúc tôi đi học, lớp của tôi có bốn bạn học sinh giỏi, giỏi từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng khi trưởng thành, cả bốn bạn đó lại không được thành công về mặt kinh tế. Bạn thứ nhất bỏ học, không thi đại học mà đi lấy chồng; bạn thứ hai học kế toán làm công ty nhỏ, lương bèo bọt; bạn thứ ba giờ làm xã viên; bạn thứ tư học kỹ sư xây dựng nhưng bao năm đi làm rồi vẫn chỉ nhận vài công trình nhỏ ở quê để làm qua ngày. Trong khi đó, những bạn ngày xưa học dở thì nay lại thành công, lấy vợ tiến sĩ, gia đình kinh tế khá giả.
Tôi không cho con đi học thêm không phải vì tôi nghĩ con tôi học dở cũng vẫn có thể thành công như người ta. Chỉ là tôi cảm thấy nếu phải học ngày học đêm thì rất mệt mỏi. Vả lại, tôi biết học lực của con thuộc loại khá, không nhất thiết phải đánh đổi sức khỏe, tuổi thơ, thời gian để lao vào học thêm cho hơn con nhà người ta.
- Nỗi sợ vô hình khi không cho con học thêm
- 'Nên cấm dạy thêm'
- 'Nên cho phép dạy thêm học sinh trung bình, yếu kém'
- 'Phụ huynh lớp con tôi đề nghị cô giáo mở lớp học thêm'
- 'Tăng lương giáo viên đồng thời cấm dạy thêm'
- 'Quản lý dạy thêm để học sinh có cơ hội tiếp cận giáo viên giỏi'