"Nhiều em học khá giỏi rồi nhưng bố mẹ vẫn cứ muốn ép học thêm để giỏi hơn nữa. Cá nhân tôi nghĩ rằng học hành hay gì thì cũng cần có thời gian nghỉ ngơi mới đạt hiệu quả được. Nếu con thật sự không thể giỏi hơn thì cũng không sao. Nhiều khi bạn phải chấp nhận một điều rằng con không có năng khiếu học tập, đầu óc của con chỉ được đến thế thôi. Thay vì ép buộc con phải học ngày học đêm, cho mẹ nên cố làm lụng một chút, dạy con thành người tử tế rồi sau này cho nó thừa kế tài sản, tạm gội là đủ ăn đủ mặc là được.
Tôi thà có một đứa con bình thường, không có gì nổi bật, nhưng chúng vui vẻ, tốt bụng, và hiếu thảo với cha mẹ, còn hơn là có một đứa con giỏi giang nhưng áp lực đến mức khóc lóc, khổ sở vì bị ép học nhiều. Bản thân tôi cũng chỉ là một người bình thường, sao có thể bắt con phải 'làm rồng, làm phượng' được".
Nói chung, mỗi con người là một cá thể riêng biệt, nên sẽ không có công thức chung nào cả cho tất cả. Do vậy, mỗi gia đình nên tự đưa ra phương hướng giáo dục phù hợp với con cái mình. Chúng ta không thể cứ cố ép con học nếu chúng có không có đầu óc thông minh, tài giỏi thật sự. Tại sao không chấp nhận việc con có thể đi làm văn phòng bình thường?
Tôi tin rằng, phần lớn gia đình ở Việt Nam bây giờ cũng vẫn đang làm như thế chứ chẳng phải riêng mình. Ở đây, tôi không nói rằng dạy ra một đứa con hết ăn rồi lại nằm, không đi làm, không lao động nên các bạn cũng không phải lo đứa trẻ ăn hết tài sản của cha mẹ. Chỉ là, tôi coi trọng việc con sống làm người tử tế, vui vẻ hơn là bắt con phải đạt thành tựu này kia hay cứ phải bận tâm tới ý kiến đánh giá của xã hội".
Đó là chia sẻ của độc giả Hoa Ân xung quanh câu chuyện bé trai lớp 8 đến đồn công an tố cáo bố mẹ bắt mình học thêm quá nhiều. Thực trạng dạy thêm, học thêm ở Việt Nam từ lâu cũng đã trở nên vô cùng nhức nhối. "Làm sao để giảm tải áp lực học tập cho trẻ, để xóa bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục?" cũng là nỗi trăn trở của cả những người làm giáo dục nước nhà lẫn các bậc phụ huynh đang có con em ở tuổi đến trường.
Nói về câu chuyện này, bạn đọc Dinhttruc quả quyết: "Con tôi học lớp 6, không đi học thêm môn gì cả. Con chỉ học một buổi ở trường, rồi về nhà tự học, tự bài làm bài tập. Còn lại, con dành nửa thời gian trong ngày cho đam mê chơi đàn piano, và chế tạo. Kết thúc học kì I, con vẫn đạt học sinh giỏi hạng nhất lớp, nên tôi nghĩ trẻ không cần thiết phải đi học thêm mới giỏi. Cha mẹ nên dành một chút thời gian để khuyến khích con tự học và cho trẻ có thời gian giải trí, làm những gì chúng thích. Như vậy, trẻ sẽ thông minh hơn và cảm thấy hứng thú với việc học. Ngược lại, nếu ép học nhiều quá thì trẻ sẽ dần sợ học".
Không quá gay gắt với việc học thêm, tuy nhiên độc giả Thingadalat nhấn mạnh cần giữ ở mức độ vừa phải: "Tôi thương những đứa trẻ mang áp lực học tập. Cha mẹ có lý của mình khi bắt con học và con cái cũng có lý của chúng. Vấn đề là làm sao dung hòa được hai bên? Tất cả phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bố mẹ về khả năng của con, cũng như hiểu được tâm lý của trẻ để cho con học hành trong phạm vi năng lực, sức khỏe và tinh thần cho phép.
Con tôi đang học cấp hai, nhưng vẫn được tự do sau 20h30 và cuối tuần được thoải mái ngủ nướng, do trong tuần, con đã phải học thêm Toán, Tiếng Anh, piano và vẽ (ở mức vừa đủ). Nhờ vậy, cuối kỳ, con vẫn đạt Học sinh giỏi với điểm trung bình 8,8. Tôi biết con mình không thông minh, nhanh nhẹn, nhưng luôn vui vẻ, tự tin. Có lần, con kể chuyện người bạn thân ở lớp không được 9 điểm thi học kỳ nên không dám về nhà mà đi lang thang để rồi bị lạc. Sau đó, ba mẹ bạn đó còn đòi hỏi cao hơn. Nghe vậy, tôi hết sức đau lòng, chỉ mong những đứa trẻ xung quanh mình có thể lớn lên trong hạnh phúc".
Trong khi đó, với cái nhìn rộng hơn về câu chuyện học thêm, bạn đọc Minhan nêu quan điểm: "Tôi là một phụ huynh, giống như nhiều bậc cha mẹ khác, tôi cũng không hề mong muốn con mình phải đi học thêm. Chưa nói đến khía cạnh tiền bạc, chỉ riêng thời gian đưa đón tôi cũng đủ vất vả rồi. Tôi cũng muốn con mình mỗi buổi tối về nhà có thể nghỉ ngơi thay vì học thêm liên miên.
Nhưng trong một xã hội, khi có một nhà cho con học thêm, thì sẽ có 10 nhà khác sợ con mình không theo được, thế nên chẳng ai bảo ai, tất cả cũng phải cho con đi học thêm. Điều đó giống như một nỗi sợ vô hình, sợ rằng con mình sẽ chậm hơn các bạn. Biết rằng, học nhiều như thế là bất công với các con, nhưng ai dám bơi ngược dòng, để mặc cho con phát triển tự nhiên?
Thiết nghĩ, muốn giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc, cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ để phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (thậm chí có thể cách chức, đuổi việc giáo viên). Chỉ có như thế thì phụ huynh mới có thể yên tâm không cho con đi học thêm".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.