Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến sẽ được trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư vào tháng chín tới đây. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Giao thông vận tải, dự án này đi qua 20 tỉnh, thành phố từ Hà Nội đến TP HCM, trong đó điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Đây là tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD
Đánh giá về tính khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, độc giả Vandong cho rằng: "Tàu 320 km/h tốn kinh phí 58 tỷ USD, trong khi tàu 200 km/h chỉ tốn 26 tỷ USD. Tàu 320 km/h giá vé đắt ngang ngửa vé máy bay, nhưng tuyến Hà Nội - TP HCM đi bằng tàu mất ít nhất bảy giờ; còn đi máy bay chỉ mất hơn một giờ đồng hồ, cộng với thời gian làm thủ tục, ký gửi và lấy hành lý, tổng cộng cũng chỉ khoảng bốn giờ đồng hồ. Nếu như vậy, chắc chắn hành khách sẽ chọn máy bay thay vì đi tàu. Nếu làm tàu 200 km/h và làm từng đoạn ngắn như TP HCM - Cần Thơ, TP HCM - Nha trang, Hà Nội - Đà Nẵng, vé rẻ hơn vé máy bay và đi nhanh hơn xe khách, tôi tin khách hàng sẽ ủng hộ tàu lửa và đi nhiều. Tóm lại, thực hiện, một tuyến tàu cao tốc cần phải chú ý đến hiệu quả kinh doanh thực tế".
Đồng quan điểm, bạn đọc Vina gama nhận định: "Phương án tàu 320 km/h quá tốn kém, trong khi hiệu quả kinh tế không cao, thời gian thi công quá lâu. Thay vào đó, chúng ta có thể làm đường sắt tốc độ 200 km/h và quy hoạch bốn làn. Hiện tại, chúng ta khai thác hai làn, sau này nếu muốn tăng lên 320 km/h hay 600 km/h thì có sẵn hai làn dự phòng, chỉ cần thay thiết bị, trong khi vẫn có thể khai thác hai làn 200 km/h cũ. Làm vậy chi phí đầu tư sẽ rẻ hơn rất nhiều mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nếu sau này nâng cấp lên tốc độ cao 600 km/h thì hai làn 200 km/h kia sẽ chuyển hoàn toàn thành làn vận chuyển hàng hóa, sẽ không bị lỗi thời, không đứt quãng chờ đợi nâng cấp, trong khi khai thác vẫn có không gian hành lang an toàn".
>> Đường sắt cao tốc giúp tránh lãng phí 10 năm thanh xuân
Cho rằng việc đầu tư một tuyến đường sắt trong 30 năm và nguy cơ sẽ lỗi thời là một quyết định quá phiêu lưu, độc giả Nguyen Tuan nhấn mạnh: "Thứ người dân cần là các tuyến đường sắt tốc độ trung bình (160-200 km/h), cự ly trung bình (600 km đổ xuống), cho thời gian di chuyển khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Vì đi như vậy sẽ thoải mái và tiết kiệm hơn đi máy bay nhiều. Còn với cự ly trên 1.000 km, thật sự không nhiều người chọn đi tàu vì giá vé lúc đó đương nhiên sẽ cao, trong khi hiệu quả về thời gian và sự tiện lợi không còn rõ rệt.
Theo tôi, nên chia nhỏ ra từng đoạn ngắn và chỉ cần làm đường sắt 200 km/h là đủ. Số tiền còn lại có thể dùng để nâng cấp đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để chở hàng. Việc nâng cấp đó sẽ bao gồm cả lập hành lang an toàn và làm cầu cạn đi qua những đoạn đông dân cư. Đất nước cần sớm có đường sắt cao tốc để thúc đẩy phát triển và chia sẻ áp lực với đường bộ, hàng không. Thời cơ để phát triển chỉ có hạn, chứ nó không ở mãi đó chờ ta. Triển khai một tuyến đường sắt mất đến 30 năm, mà còn chưa hình dung được tương lai sẽ ra sao thì tôi thấy quá phiêu lưu".
Lấy dẫn chứng từ các nước đi trước, bạn đọc Davidnguyen bổ sung thêm: "Tôi có cơ hội sống, giảng dạy và đi nhiều nước, nhận thấy rằng các nước phát triển như Nhật Bản và châu Âu luôn coi đường sắt là huyết mạch giao thông - kinh tế, an ninh quốc phòng. Đáng lẽ chúng ta phải ưu tiên phát triển đường sắt từ lâu rồi mới phải. Nhưng 58 tỷ USD cùng thời gian thực hiện trong 30 năm là một con số khổng lồ và có nguy cơ đội vốn , tạo gánh nặng nợ công. Theo tôi, phương án tối ưu có lẽ là nên cân nhắc làm tuyến cao tốc với tốc độ chỉ cần 200 km/h, chi phí đầu tư 20 tỷ USD là phù hợp với sức và trình độ của ta.
Quan trọng hơn nữa là chúng ta nên tận dụng lợi thế đường sắt Việt mà ít quốc gia nào có, đó là chạy dọc đất nước với nhiều bãi biển đẹp để phát triển du lịch, đô thị biển. Nếu quy hoạch tốt, tôi tin có thể phát triển quỹ đất dọc tuyến đường sắt để vừa phát triển du lịch, kinh tế, tạo vốn đầu tư hạ tầng, mà không phải vay nợ nhiều. Nếu quyết liệt và có quy hoạch tốt, cộng với chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa tốt, chúng ta có thể hoàn thành dự án trong 10 năm thay vì chờ 30 năm cho một tuyến đường sắt 320 km/h".
Trong khi đó, với quan điểm ủng hộ dự án đường sắt tốc độ cao 320 km/h, độc giả Hải phản biện: "Tàu tốc độ 200 km/h chẳng giải quyết được việc gì. Ví dụ một người từ Nghệ An, Thanh Hóa ra Hà Nội làm việc sẽ không thể đi về trong ngày được, hoặc mất quá nhiều thời gian di chuyển. Như vậy, chúng ta đã mất một lượng lớn khách hàng tiềm năng và ổn định rồi. Nếu chở thêm hàng sẽ mất thời gian vận chuyển lên xuống nên không thể tăng chuyến và kiểm soát an ninh. Do đó, tàu trên 300 km/h mới là phương án tối ưu hiện nay".
Đó cũng là ý kiến của bạn đọc Chuong: "Tôi hoàn toàn ủng hộ đường sắt tốc độ cao 320 km/h. Ai đặt câu hỏi về tính hiệu quả so với hàng không thì nên đi thử tàu ở châu Âu hay gần hơn là Trung Quốc để biết đường sắt tốc độ cao có lợi như thế nào với xã hội? Lợi nhuận kinh tế chỉ là một phần (thường sẽ mất nhiều năm để hoàn vốn, thậm chí chịu lỗ) nhưng đổi lại, chúng ta sẽ có nhiều lợi ích về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thủ tục đi lại rất nhanh so với máy bay... Ngoài ra, nếu đi máy bay, hành khách chỉ có một điểm đến, còn đi tàu, hành khách có thể xuống bất cứ các trạm dừng nào trên đường, cũng có thể lên từ những trạm bên đường nữa".
Đánh giá cao hiệu quả tích cực mà dự án đường sắt tốc độ cao 320 km/h có thể mang tới, độc giả NDT kết lại: "Đường sắt cao tốc là dự án công cộng phục vụ cho toàn bộ người dân, lợi ích của nó nằm ở gián tiếp chứ không phải trực tiếp thông qua thu tiền vé hoàn vốn. Chẳng hạn như giúp người dân di chuyển nhanh chóng hơn, kết nối các khu vực kinh tế, người dân có thể sáng đi làm xa nhà với khoảng cách hàng trăm km, tối vẫn về nhà nghỉ ngơi được. Từ đó giúp mạng lưới giao thông của các thành phố trở lớn trở nên linh hoạt hơn, giảm mật độ dân số, giá thuê nhà sẽ rẽ hơn rất nhiều trong lúc vẫn đảm bảo lực lượng lao động dồi dào. Nói chung là rất nhiều lợi ích gián tiếp. Như tàu cao tốc của Trung Quốc, gần như tuyến nào cũng lỗ vốn, nhưng lợi ích gián tiếp mà nó mang lại thì không phải bàn cãi, giúp kinh tế của họ phát triển như vũ bão.
Một số ý kiến cho rằng, nếu giá vé tàu ngang ngửa vé máy bay thì đi máy bay nhanh hơn, nhưng điều này chỉ đúng cho quãng đường di chuyển hơn 1.000 km mà thôi. Còn các đoạn đường như từ các tỉnh miền Trung ra đến Hà Nội hoặc vào Đà Nẵng, rồi các tỉnh Nam Trung Bộ đi TP HCM bằng tàu sẽ đều nhanh hơn rất nhiều so với đi máy bay. Với tốc độ 320 km/h, chỉ một vài tiếng là chúng ta đã tới nơi. Ưu điểm của tàu cao tốc là check in rất nhanh, tàu đến rất đúng giờ, chỉ lệch tầm 2-5 phút so với dự kiến. Tóm lại, tôi tin tàu cao tốc 320 km/h sẽ đủ sức cạnh tranh với hàng không".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.