Xung quanh những tranh luận về mặt thiệt - hơn giữa hai phương án làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhiều độc giả VnExpress đặt câu hỏi: Tại sao phải xây đường sắt cao tốc?
Bộ Giao thông Vận tải đang lặp lại sai lầm cách đây 9 năm. Đây là một loại phương giao thông xa xỉ nhất thế giới với mỗi km đường tốn trên 64 triệu USD. Thế nhưng nó chỉ chở được duy nhất hành khách với hành lý xách tay, hoàn toàn không thể chở được hàng hóa do sức kéo đoàn tàu có hạn. Tốc độ 300 km/h trên mặt đất rất nguy hiểm nên đường sắt cao tốc chỉ phù hợp với những nước có miền khí hậu ôn đới, nhiệt độ, lưu lượng mưa và tốc độ gió vừa phải để đảm bảo an toàn. Chưa ai dám làm đường sắt cao tốc ở những vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với những trận mưa xối xả hàng trăm mm và tốc độ gió cấp 8-9 đã có thể dễ dàng gây lật tàu. Đường sắt cao tốc có 95% công đoạn điều khiển bằng tự động hóa nên dễ dàng tê liệt khi có biến động thời tiết hay các vấn đề về địch họa thiên tai. Sự lựa chọn khôn ngoan lúc này là nhanh chóng chấm dứt giấc mơ viển vông đường sắt cao tốc để tập trung cho việc mở rộng để hiện đại hóa đường sắt Việt Nam. Đó là một mũi tên trúng nhiều mục tiêu lớn "cải lão hoàn đồng" để góp phần đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước!
Tiến sĩ Trần Đình Bá
Phương án 5 đồng chưa chắc tốt hơn 10 đồng, vậy phương án 0 đồng thì sao? Tại sao phải xây đường sắt cao tốc? Áp lực vận chuyển hàng khách Bắc - Nam chỉ cao khi vào mùa Tết, nhưng với tốc độ phát triển công nghiệp ở miền Bắc và miền Trung như hiện nay thì áp lưc đó sẽ giảm dần theo năm tháng. Và áp lực vận chuyển khách trong dịp Tết có thể giải quyết được bằng phương án tăng chuyến.
Trước khi làm đường sắt cao tốc, phải trả lời cho được các câu hỏi: Tiền đâu để làm? Khi làm có ảnh hưởng đến các dự án trọng điểm khác của đất nước không? Khi kinh tế suy thoái thì sao? Có chậm tiến độ không? Có đội vốn không? 30 năm sau hoàn thành có lạc hậu không? Làm xong có thể cạnh tranh được với hàng không ngày một phát triển như hiện nay không? Khi vận hành có thể có lời và thu hồi vốn không? Cuối cùng, người nào chịu trách nhiệm khi có sai phạm?
Nước ta nhìn tổng thể vẫn còn nghèo, phải liệu cơm gắp mắm. Theo tôi, nên cải tạo, nâng cấp đường sắt cũ lên 1.43m, nâng tốc độ chạy tàu lên trên 100 km/h, làm đường tránh các khu dân cư đông đúc; tận dụng, cải tạo nhà ga cũ; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách, kéo hàng hoá; chỉ làm trong 7 năm thôi. Còn đường sắt cao tốc để năm 2051 con cháu ta làm. Lúc đó, với thực lực đất nước, trình độ và công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, tin rằng con cháu ta làm trong vòng 5-7 năm là xong, vừa nhanh vừa hiện đại. Còn bây giờ làm 58 tỷ USD hay 26 tỷ USD gì cũng "mắc cạn" hết.
26 tỷ hay 58 tỷ USD không quan trọng, quan trọng là:
- Khi nào thực hiện?
- Khi nào đưa vào sử dụng?
- Trượt giá mấy "ngàn" phần trăm so với dự toán ban đầu ?
- Chỉ sợ kiểu làm túc tắc túc tắc thì đến lúc đưa vào sử dụng thì các nước khác đã sử dụng phương tiện vận tải khác tiến tiến hơn gấp nhiều lần rồi!
Tôi sống tại Nhật Bản hơn chục năm nay. Số khách bỏ tiền đi tàu cao tốc rất ít vì chi phí cao hơn máy bay. Những vùng không có sân bay thì buộc họ phải đi tàu cao tốc nhưng các doanh nghiệp thường hỗ trợ tiền tàu cho nhân viên đi công tác. Những người sử dụng chủ yếu là muốn trải nghiệm đi tàu, hoặc tính cơ động vì không phải đặt trước như máy bay. Vậy Việt Nam chúng ta đang trong tình trạng kinh tế khó khăn, có nên làm một con tàu tốn kém như thế này không? Thay vì nâng cấp đường bộ, đường sắt cũ. Trình độ và ý thức của người dân chúng ta phải nói thẳng là chưa thể điều hành được con tàu mấy trăm km/h.
Đất nước ta còn nghèo, bên cạnh đó chẳng phải đang gia tăng các tập đoàn kinh tế tham gia lĩnh vực hàng không đó sao? Đủ đáp ứng như cầu đi lại và một phần vận chuyển hàng hóa nhẹ. Còn đường sắt cũ vẫn đảm bảo vận chuyển hành khách và hàng hóa song hành. Tôi nghĩ nên dừng phương án đường sắt cao tốc này, để 20 năm nữa khi đó ta khởi động dự án này thì hay hơn. Đỡ khoản nợ công cho quốc gia.
Nước ta trải dài và chỉ có hai trung tâm lớn là Hà Nội và Sài Gòn là đông dân, còn lại dọc miền Trung là thưa. Nếu chỉ vận tải khách không thôi thì quá lãng phí. Bây giờ, hàng không đang phát triển mạnh nhanh hơn và giá rẻ, nên tàu cao tốc không thể cạnh tranh nổi. Nếu có gần 59 tỷ USD thì làm đường sắt tốc độ cao 26 tỷ còn gần 33 tỷ đầu tư vào phát triển hàng không, trên cả tuyệt vời. Thời gian hoàn thành còn nhanh hơn nhiều.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đâyhoặc qua email bandoc@vnexpress.net
Việt Thành tổng hợp