Đọc bài viết "Về quê nếu 10 năm ở Sài Gòn vẫn trắng tay", tôi thấy đồng cảm với tác giả Lê Bảo, dù bản thân cũng đã có nhà cửa đàng hoàng. Rõ ràng, đô thị đã trở nên quá đông đúc và ngột ngạt. Do đó, việc cạnh tranh để mua được mảnh đất cắm dùi là quá gay gắt và cuối cùng cũng chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống. Sau này, rất có thể con cháu của tôi cũng phải bon chen trong cái vòng xoáy khốc liệt ấy. Bởi vậy, nếu có lựa chọn, tôi mong rằng chúng ta có thể triển khai xây dựng và vận hành đường sắt cao tốc trong thời gian sớm nhất. Có đường sắt cao tốc, mọi người có thể sinh sống thoải mái tại các thị trấn hay làng xã thuộc tỉnh, mà vẫn làm việc và có nhập cao tại thị thành.
Tôi đã trải những năm thanh xuân đẹp nhất của mình ở Đức. Một trong những điều làm tôi ngạc nhiên nhất khi mới đặt chân đến châu Âu là việc rất nhiều người tôi quen, gồm các giáo sư, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học, lại không sinh sống ở thành phố, mà chọn định cư tại một thị trấn nông thôn nào đó cách thành phố cả trăm km. Mỗi ngày, họ đều lên tàu để vào thành phố làm việc.
Trải nghiệm đi làm của họ, tôi cũng đã thử. 6 giờ sáng thức dậy, chúng tôi đi bộ, đi xe hoặc bắt xe buýt ra ga trung tâm thị trấn. Quanh ga là các cửa hàng ăn sáng rất tiện lợi. Cứ mỗi 45 phút đến một tiếng là lại có tàu vùng chạy theo các khung giờ cố định (ngoài ra còn có loại tàu siêu tốc trên 300 km/h để chạy các tuyến dài), nên chúng tôi không phải chờ quá lâu và cũng chẳng phải làm thủ tục gì là đã có thể lên tàu ngồi. Tàu chạy khổ 1.435m nên rất êm ái và không rung lắc, chúng tôi có thể thoải mái ngồi nghe nhạc, đọc sách, ngắm cảnh hai bên đường, ăn sáng hoặc tán gẫu với nhau, đôi khi còn có những cuộc nói chuyện bất ngờ và thú vị với những người lạ.
Tùy khoảng cách, tàu chạy tầm một tiếng là đã đến ga trung tâm. Bước khỏi ga, chúng tôi lại gặp một loạt các cửa hàng tiện lợi, cà phê, các trạm tram (tàu điện), metro (tàu điện ngầm), xe buýt và đường cho xe đạp. Chúng tôi thường mua đồ ăn sáng tại ga, sau đó cùng nhau bắt tram đi thêm 10 phút nữa, rồi tản bước ung dung trên hè phố thẳng băng để đến viện nghiên cứu trước 8 giờ rưỡi.
>> Tôi sợ lạc hậu nếu không mua đất làm giàu
Mỗi chiều sau giờ làm việc, chúng tôi lại cùng nhau đi tram vào trung tâm, mua sắm hoặc dạo phố, rồi lại lên tàu và thường về nhà trước 19 h. Bởi thế, trải nghiệm đi tàu với tôi thật sự còn sướng hơn đi ôtô hay máy bay. Người đi tàu không cần phải tập trung vào bất cứ việc gì và có thể thả hồn vào bất cứ đâu. Nhờ vậy mà không còn khái niệm về khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Câu hỏi: "Nên bám trụ tại thành phố hay về nông thôn?" hầu như không xuất hiện trong đầu của các bạn tôi. Thực tế, về nông thôn lại có phần sướng hơn do đất rộng người thưa, giá cả lại rẻ, mà chuỗi siêu thị, bệnh viện và trường học không thiếu một thứ gì, thậm chí còn to hơn của thành phố. Hơn thế nữa, chi phí để mua một căn hộ hai phòng ngủ tại thành phố có thể đủ để xây một ngôi nhà vườn bốn phòng ngủ rộng rãi, dễ thương tại nông thôn.
Bởi thế, tôi cho rằng, nếu có đường sắt cao tốc kết nối các khu đô thị và nông thôn thì chúng ta và chính con cháu sau này cũng sẽ không cần phải đối mặt với vấn đề "về quê hay ở phố?", cũng không cần phải phí 10 năm thanh xuân chỉ để đưa ra quyết định này.
Ngoài ra, Việt Nam còn có một lợi thế rất lớn, đó là nước ta dài và hẹp. Nếu như các nước như Đức hay Pháp phải xây các tuyến đường sắt theo đủ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trên mọi địa hình, thì với Việt Nam, chúng ta chỉ cần một tuyến đường duy nhất chạy dọc theo chiều dài đất nước là đã có thể kết nối các trung tâm hành chính lớn và toàn bộ vùng nông thôn nơi tuyến đường sắt chạy qua.
>> Lời 700 triệu đồng sau ba năm mua nhà
Hơn thế nữa, tuyến đường sắt này còn có tác dụng chuyên chở hàng hóa. Trên cùng một cơ sở hạ tầng với đường sắt dân dụng, tàu hàng có thể kéo đến hơn 200 containers trong một lần chạy không dừng với vận tốc gần 100 km/h. Điều đó tương đương với hơn 200 xe container được giảm khỏi hệ thống đường bộ. Thử nghĩ xem, nó sẽ giúp nền kinh tế hàng hóa của chúng ta phát triển đến mức nào?
Không quá khi nói rằng, các thị trấn của châu Âu luôn phát triển với trung tâm là ga đường sắt. Hệ thống đường sắt chính là bước đầu của sự phát triển. Một đất nước thật sự phát triển không phải là nơi có nhiều người giàu sở hữu xe hơi đắt tiền, mà là nơi người giàu cũng chọn đi lại bằng phương tiện công cộng vì sự thoải mái và tiện lợi của nó. Phát triển đường sắt chắc chắn sẽ mất nhiều năm, vì thế chúng ta cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ, cho chính chúng ta và thế hệ con cháu sau này.
Nếu có đường sắt cao tốc, tôi sẽ về một thị trấn nhỏ nào đó, mua một mảnh đất gần ga tàu, sống một cuộc sống trong lành với vườn tược cây cối và thư thái lên Sài Gòn để làm việc mỗi ngày.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.