Vì an toàn giao thông đường bộ, Nhà nước cần khẩn trương nâng cấp đường sắt từ 1 m lên 1.43 m, nâng vận tốc 80 km/h lên 200 km/h. Mỗi ngày, hàng ngàn ôtô chở hàng chạy suốt tuyến Bắc - Nam, "rồng rắn" kéo nhau chạy suốt 1.600 km làm sao tránh được va chạm? Chưa nói đến căng thẳng do lái xe thời gian dài gây ra. Kể cả đường bộ cao tốc hoàn thành vẫn sẽ xảy ra tai nạn khi chỉ 1/100 giây là đã có mạng người ra đi.
Trong khi đó, có một tuyến đường dành riêng chở hàng hóa và khách thì mấy chục năm nay không được chú ý. Ta thử hình dung hàng hóa trên mấy nghìn ôtô kia được xếp vào các toa hàng với tốc độ khiêm tốn chỉ 100 km/h cũng đủ thấy cách nào an toàn và nhanh hơn. Đó là chưa nói đến hàng chục, hàng trăm con người đi xe giường nằm Bắc - Nam hằng ngày vẫn phó mặc số phận cho hai tài xế chạy suốt ngày đêm. Dù họ chỉ chạy 40 - 80 km/h nhưng lúc nào cũng tiềm ẩn tai nạn.
Những đất nước hình vuông, họ phát triển tàu cao tốc 350 km/h là có khách vì thời gian di chuyển ngắn . Ví dụ khoảng cách 300 km họ đi tàu mất 1h, nhưng như nước ta, với chiều dài 1.600 km, sẽ chẳng ai thích ngồi 6-8 h trên tàu đường sắt. Có chăng chỉ là do sở thích, nhưng điều quan trọng là chở hàng hóa cần nhanh và an toàn hơn hẳn đường thủy, đường bộ. Đường sắt giúp di chuyển nhanh hơn đường thủy và an toàn hơn đường bộ, trong khi chi phí sửa chữa đường bộ lại cao hơn nhiều đường sắt. Đặc biệt đường sắt là nơi chỉ có một mình tàu đi nên rất an toàn cho tính mạng con người.
Cần ưu tiên vào đường sắt, nâng cao tốc độ chuyên chở hàng hóa và hành khách, sẽ giảm tải áp lực cho đường bộ và đặc biệt giảm tai nạn giao thông suốt tuyến Bắc - Nam.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.