Nhiều người ủng hộ phương án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi cho rằng đường sắt 200 km/h là phù hợp với điều kiện kinh tế, địa hình, thời tiết và nhu cầu sử dụng của người Việt Nam:
Muốn đi nhanh hơn thì đã có hàng không lo. Thời gian chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn giữa hai phương án tăng từ 6h20 lên khoảng 11h là quá tốt rồi. Điều quan trọng hơn nhiều là phương án 200 km/h có thể dùng cho vận tải hàng hoá, sẽ giúp giảm chi phí vận tải hàng hoá Bắc - Nam nhiều lần và an toàn. Nếu đầu tư phương án 320 km/h, chi phí phát sinh không phải chỉ là 32 tỷ mà là hơn thế rất nhiều do vẫn phải giải toả làm thêm tuyến 200 km/h hoàn toàn mới cho tàu hàng. Phương án 200 km/h chỉ tốn 26 tỷ vì tận dụng được rất nhiều mặt bằng của nền đường hiện tại.
Tốc độ trên 300 km/h dành cho khoảng cách dưới 1.000 km là phù hợp. Đường sắt Việt Nam thiết kế tốc độ chạy tàu còn phải cân nhắc tới địa hình và thời tiết đặc thù. Chưa hết, làm đường sắt tốc độ cao còn phải căn cứ vào khả năng tài chính, khả năng làm chủ kỹ thuật trong thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt của người Việt Nam; Không thể làm đường sắt cao tốc trong khi cái bu lông cũng phải mua, phần mềm điều khiển cho đến người lái tàu cũng phải phụ thuộc... Chưa kể các doanh nghiệp trong nước chắc chắn đứng ngoài dự án vì không đủ năng lực tham gia.
Tôi ủng hộ phương án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đường sắt Việt Nam không nên đầu tư quá lớn, tốc độ quá cao vì lưu lượng khách đi bằng đường sắt ít và hầu hết là người nghèo. Tàu cao tốc giá quá cao ai chịu cho nổi? Mặt khác, người có điều kiện kinh tế thì đi máy bay giá rẻ đang ế khách quá nhiều. Đường sắt 200 km/h là phù hợp mà còn có thể khai thác tàu hàng nữa, 350km/h hàng nào chịu nổi cước?
Ở Đức phát triển rất mạnh tuyến tàu liên thành phố với tốc độ 150 km/h. Tàu này thường 2 tầng và 4-5 toa là cùng. Tần suất chạy 30 phút/ chuyến. Theo các chuyên gia môi trường và kinh tế thì loại tàu này đảm bảo kinh tế nhất và bảo vệ môi trường. Còn tàu ICE trên 300 km/h thì chỉ nối các ga chính và chi phí xây dựng cao. Hoàn toàn đồng ý với phương án tàu Bắc - Nam khoảng 150-200 km/h và sau này có điều kiện nâng cấp lên. Điều quan trọng là tần suất chạy nhiều và liên tục. Hà Nội - Sài Gòn đạt 8-10 tiếng hay không cũng không quan trọng lắm. Muốn nhanh hơn thì đi máy bay. Song, nếu kể cả thời gian ra sân bay và check-in và check-out cũng 4-5 giờ. Tóm lại, trước mắt như vậy, sau đó làm thêm tuyến cao tốc 300 - 400 km/h song song khi có điều kiện.
Chi phí quá cao trong ngành này khiến cho sức cạnh tranh nền kinh tế kém đi, làm tăng chi phí cho mỗi đơn vị sản phẩm. Nếu đường sắt chở hàng chạy tốc độ 200 km/h thì chi phí vận chuyển giảm nhiều, tạo lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Mặt khác, việc tăng vận tải hàng hoá đường sắt sẽ giảm áp lực lên đường bộ. Nói ở góc độ kỹ thuật, Việt Nam không như Nhật hay Trung Quốc, chúng ta không có năng lực kỹ thuật lẫn vốn để làm chủ được việc xây dựng và vận hành, khi đó phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Chấp nhận rủi ro tài chính cả đất nước chỉ để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc chở người nhanh hơn - điều mà máy bay đang làm tốt thì liệu có cần thiết không?
Tuy nhiên nhiều ý kiến lại cho rằng, không thể vì ham rẻ mà bỏ hàng chục năm đầu tư xây dựng hệ thống tàu tốc độ thấp đã lỗi thời, lạc hậu:
Đầu tư hạ tầng phục vụ chung cho phát triển kinh tế xã hội chứ không phải cho riêng đối tượng nào. Việt Nam có bao nhiêu đường bay dưới 500 km? Các tuyến cao tốc đang xây dựng, xe chạy cũng 120 km/h, vài năm nữa có thể nâng cấp vài tuyến lên 160 km/h hoặc cao hơn nữa. Vậy thì bỏ ra cả chục năm xây dựng hệ thống tàu cao tốc để chạy nhanh ngang với đường bộ có đáng không?!
Ưu thế chở hàng của tàu cao tốc không vượt trội so với đường bộ. Thà rằng chậm trễ vài năm, chịu tăng chi cho giao thông vận tải vài năm để đổi được mối lợi lâu dài. Người dân Nhật đã hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống tàu cao tốc hiện đại, mình không được 500 km/h thì cũng nên nỗ lực được 300km/h.
Nên có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên 350 km/h, áp dụng công nghệ mới, nhưng cũng cần hoạch định lại các khoản chi khác, tiết kiệm được thứ gì cứ tiết kiệm, đừng vì giảm ngân sách mà dùng cái lỗi thời, lạc hậu, sau này mua lại, xây lại còn tốn hơn.
Tham gia ý kiến cũng phải có chuyên môn hiểu biết thì mới có chất lượng. Cứ so sánh về năng suất đầu tư của mỗi nước là sai lầm, bởi điều kiện địa hình địa chất khác nhau, trình độ công nghiệp nặng khác nhau, tài nguyên khác nhau... Đủ thứ để cấu thành giá cho mỗi km, giả sử làm ở sa mạc khu vực Trung Đông có khi chỉ hết 15 tỷ USD. Bây giờ mà còn tính 200 km/h thì tầm nhìn quá ngắn.
Phương án nào cũng phải đảm bảo tính bền vững. Nếu không làm được ngay và luôn thì làm từng chặng một. Không nên đầu tư ham rẻ rồi đến lúc làm xong thì đã lỗi thời. Tàu cao tốc bây giờ là 300 km/h trở lên mà giờ mình mới đi đầu tư làm tàu 200km/h để cho 30 năm sau sử dụng thì không biết có còn hợp lý không. Đề nghị mời thêm các tư vấn đánh giá để tính toán mức đầu tư hợp lý nhất.
>> Chia sẻ bài viết của bạn về đường cao tốc Bắc - Nam tới trang Ý kiến tại đây.