Tôi đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đường sắt 200 km/h. Thu nhập GDP của ta chỉ mới có 2.000 USD thế nhưng nhiều người cho rằng nước ta giàu lắm, rồi so sánh với các nước Nhật, Đức, Hàn, Mỹ... để xây đường sắt cao tốc trên 300 km/h. Trên thế giới hiện nay chỉ có 20 nước phát triển (G20). Trong đó, có G7 là những nước đã phát triển, 10 nước mới phát triển và 2 nước có nền công nghiệp phát triển nhưng thu nhập GDP chưa đạt là Nga và Trung Quốc (hơn 8 nghìn đô/người/năm).
Có người nói thế giới hiện nay theo xu hướng đẩy nhanh tốc độ. Đúng, nhưng con người phải nắm giữ được tốc độ ấy chứ không chỉ là xài nó. Thử hỏi, xây cái đường sắt gần 60 tỷ USD kia, khi cần bảo trì, sửa chữa, thay thế, chúng ta có tự làm được không? và chi phí mua linh kiện về bảo trì, sửa chữa là bao nhiêu? Con số có thể lên tới gấp 3 lần số tiền trên trong hạn sử dụng 50 năm.
>> Chấp nhận rủi ro kinh tế để làm đường sắt cao tốc 58 tỷ USD?
Chỉ có đạt đến tiêu chuẩn nhóm "G", người ta mới nắm giữ được công nghệ mà tự làm ra mọi thứ. Chi phí có thể vẫn là 60 tỷ USD nhưng không phải đào bới tài nguyên lên bán, không phải khai thác môi trường đến cạn kiệt để xuất khẩu, không phải chịu hạ thấp sức lao động để làm ra hàng hóa. Chi phí ấy là do giá trị tự tạo ra trong nước, không cần trao đổi với ai. Ngoài G20, 182 quốc gia và vùng lãnh thổ khác có GDP đầu người từ trên 1.000 USD đến dưới 10.000 USD, nước ta nằm trong nhóm này và chúng ta còn chưa lọt được vào khu vực giữa của bảng xếp hạng, chỉ hơn được khoảng 20 nước, đa số là những nước đang bị nội chiến, bị cấm vận kinh tế hoặc khủng hoảng kinh tế triền miên.
Trong kinh tế không có chỗ cho cảm tính. Anh đi vay tiền, người ta nhất định sẽ hỏi anh câu hỏi "ông có kế hoạch gì để trả nợ?". Không có, không cho vay. Có thì dựa vào đánh giá mức độ thành công và rủi ro của kế hoạch mà tính toán lãi suất cho vay. Không phải cứ có tài sản thế chấp là vay được tiền. Thế chấp chẳng qua là để đảm bảo cho phần nợ còn lại chưa trả hết chứ không đảm bảo cho toàn bộ khoản vay. Ở Việt Nam, bất kể ngành nghề, lĩnh vực nào, cảm tính luôn chiếm thượng phong.
Nhưng 60 tỷ đô không phải là số tiền nhỏ để may rủi với nó. Nếu làm ra tuyến đường sắt ấy với giá vé đắt gấp đôi nước ngoài (vì ta không tự làm ra được cái gì) sau thời gian đầu "đi cho biết", sẽ không ai sử dụng nữa, dẫn tới chậm thu hồi vốn thì khi đó tính sao? Nước ta không có số vốn nhàn rỗi, mà chủ yếu là vốn vay. Chậm thu hồi vốn thì mọi khoản thuế sẽ được cộng thêm một khoản phí nho nhỏ gọi là "thu hồi vốn cho đường sắt cao tốc". Chúng ta vẫn kêu ca lương thấp, vật giá cao, nhưng khi xây dựng thứ gì thì luôn đòi phải mới nhất, đắt nhất, hiện đại nhất, quy mô nhất, người ta có mình cũng phải có bất kể điều kiện kinh tế hoàn toàn trái ngược nhau.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Nhà tôi phân loại rác nhưng công nhân vệ sinh vẫn đổ lẫn vào với nhau'
>> 'Công Phượng sang châu Âu là đi ngược quy luật thế giới'
>> 'Nhiều khán giả Việt dễ dãi vì lười suy nghĩ, không biết cách phê bình'
Chúng ta học Toán, Lý, Hóa nhiều mà sao vẫn cảm tính? Vì chúng ta học để thi chứ không học để ứng dụng. Thế nên cái gì cũng phải mua, phải nhập khẩu. Công lao động rẻ và chi phí đắt đỏ nhất nhì thế giới liệu có phải là nghịch lý không? Có lẽ không có quốc gia nào thu nhập cỡ ta mà xây đường sắt cao tốc. Đơn giản vì người ta không cảm tính, không dám liều.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây hoặc qua email bandoc@vnexpress.net
Lâm