Viêm họng, cảm lạnh, cúm là những bệnh hô hấp thường gặp, do virus, vi khuẩn gây ra. Triệu chứng phổ biến gồm sổ mũi, đau họng, ho, đau đầu.
Tinh dầu được tạo ra bằng cách chiết xuất và cô đặc dầu từ thực vật. Chất phytochemical có trong tinh dầu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có công dụng giảm ho. Một số loại còn có đặc tính kháng khuẩn, giảm viêm do nhiễm trùng đường hô hấp.
Cách sử dụng
Tinh dầu thường được dùng như liệu pháp hương thơm. Người bệnh có thể hít trực tiếp, bằng cách mở nắp chai, hít thở thật sâu 5-10 lần trong vài phút. Người lớn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu lên khăn mềm hoặc bông, thi thoảng đưa lên mũi, không áp dụng cách này cho trẻ em.
Để xông hơi, đổ đầy một bát nước nóng và thêm một vài giọt tinh dầu. Giữ khoảng cách từ bát nước đến mũi khoảng 20 cm, cúi đầu, trùm khăn lên đầu và bát rồi hít thở sâu. Hơi ấm và mùi thơm của tinh dầu góp phần thư giãn đường mũi và đường thở, giảm tắc nghẽn, bớt ho.
Máy khuếch tán hay máy xông hơi nước giải phóng các hạt dầu nhỏ vào không khí. Cho ít nước lọc với tinh dầu rồi bật máy, tỷ lệ khác nhau tùy vào từng loại tinh dầu.
Loại tinh dầu nên chọn
Dưới đây là một số loại tinh dầu có thể giúp giảm khó chịu do ho gây ra.
Dầu khuynh diệp có tác dụng kháng khuẩn, an toàn và có thể dùng lâu dài. Dầu khuynh diệp hữu ích khi gặp các vấn đề về hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Dầu húng tây với thành phần chính gồm carvacrol và thymol, có tác dụng kháng khuẩn chống lại vi khuẩn đường hô hấp. Người gặp các vấn đề rối loạn hô hấp như viêm phế quản và ho gà có thể dùng loại dầu này.
Dầu hương thảo giàu cineole, có nhiều lợi ích tương tự như dầu khuynh diệp. Mùi thơm của hương thảo dịu hơn mùi khuynh diệp, có thể sử dụng khi viêm phế quản thể nhẹ.
Dầu hoa oải hương có đặc tính chống viêm, hỗ trợ làm dịu cơn ho, nhất là ho do bệnh hen suyễn, hen phế quản.
Dầu quế có đặc tính kháng khuẩn, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây ra các bệnh về đường hô hấp.
Một số tinh dầu không an toàn cho trẻ em hoặc phụ nữ mang thai, nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Không ăn hoặc nuốt tinh dầu, chọn mua loại có nhãn mác, nguyên chất và bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |