Thói quen của tôi vào mỗi buổi sáng là sẽ tìm đọc những tin tức tích cực bên ly cà phê. Một bức hình đập vào mắt tôi với dòng chú thích mà gây khiến tôi ám ảnh mãi: " Xin đừng đưa người miền Trung ra bàn tán nữa, họ vất và lắm rồi...". Đó là về câu chuyện lùm xùm mấy ngày nay khi một người nghệ sĩ nổi tiếng giữ 13 tỷ đồng quyên góp cứu trợ miền Trung của người hâm mộ suốt sáu tháng mà đến giờ vẫn chưa giải ngân.
Theo dòng sự kiện, tôi lại cảm thấy nhiều điều. Đối với tôi, trong câu chuyện này, có thể có cái đúng, có cái sai, và ai cũng có lý lẽ của mình. Nếu chúng ta không phải là người trong cuộc thì không thể đánh giá được điều gì. Một người nghệ sĩ nổi tiếng, chắc chắn rằng họ phải đủ bản lĩnh để chịu được sức nặng của dư luận. Bởi cuộc đời là vậy, dù bạn có làm tốt cả đời đi chăng nữa nhưng đến một lúc nào đó khi bạn làm sai, thì sẽ ít ai nhớ những việc tốt bạn đã làm mà số đông họ chỉ chăm chăm vào việc sai ấy.
Thuở nhỏ, tôi đã đọc một câu chuyện về một anh chàng xây một bức tường thật đẹp, ngay hàng và thẳng lối, nhưng anh ta phát hiện ra rằng có một cục gạch khi xếp lên để xây, bị lệch so với các hàng khác. Anh ta lùi lại, ngắm nhìn thành quả của mình, nhìn vào viên gạch ấy, anh ta buồn và khóc, vì "bao công lao cố gắng lại ra như thế này".
Tâm tính con người chính là thế, họ có thể bỏ qua tất cả điều tốt đẹp xung quanh để chỉ nhìn vào một điểm xấu, cái sai của người khác. Chúng ta thường thích nhìn vào sự tiêu cực mà quên đi rằng còn nhiều thứ tích cực bên ngoài; thích bênh kẻ yếu bất chấp họ đúng hay sai; thích theo số đông dù biết rằng việc này chưa chắc đã đúng; thích chửi bới, "anh hùng bàn phím"; rao giảng triết lý với người khác dù bản thân chưa bao giờ làm một việc tốt như họ....
>> Hoài Linh nhầm lẫn cứu trợ và từ thiện
Đọc lại toàn bộ diễn biến của sự việc này, tôi lại buồn cho chính người đời, có phải vì phần lớn dân ta có trình độ dân trí thấp hay không? Chắc không đâu, vì đâu đó cũng có dân văn phòng, dân trí thức hùa theo chửi bới, lên án một nghệ sĩ làm từ thiện. Họ hả hê trước việc người khác bị chỉ trích, bị chà đạp. Giống như một chương trình, một sự kiện mà không có scandal thì không bao giờ "hot", một người nghệ sĩ không có gì đặc biệt thì chẳng ai quan tâm.
Thật buồn khi có những giá trị không bao giờ được đánh giá đúng, được đặt đúng vị trí trong xã hội. Chúng ta dễ thấy những việc tưởng là bình thường, ai cũng đã được dạy ngay từ bé như bỏ rác vào thùng, trả lại của rơi, lòng chung thủy vợ chồng... nhưng lại được biểu dương, tán thưởng như hành động đặc biệt trong xã hội ngày nay.
Việc đánh giá đúng sai là của cả một quá trình, một cái nhìn tổng quan và thiện chí, suy nghĩ đã sai thì khó mà làm đúng được. Không có bất cứ ai là hoàn hảo, có những thứ lúc này mình nghĩ là đúng, nhưng trong thời điểm khác thì lại là sai hoàn toàn, nếu ta làm sai thì phải dũng cảm thừa nhận. Một sự việc đang diễn ra mà tôi cảm giác được rằng cả một nhóm người (ở đây tôi không dùng từ cộng đồng, vì nhóm người ấy không đai diện cho tất cả) đang dồn một con người vào bước đường cùng.
Triết lý đạo Phật có câu: "Không thể lỡ lời. Lời nói ra như gió thoảng, nhưng đến cả cơ hội thương tiếc cũng không có đâu". Ngay từ khi con tôi còn nhỏ, những lúc kể chuyện cổ tích cho con gái nghe, tôi chưa bao giờ kể chuyện Sự tích Tấm Cám, vì tôi nghĩ hành động trả thù của Tấm là không phù hợp với trẻ nhỏ. Chúng chỉ cần nghe, cần thấy những gì đẹp đẽ xung quanh, thấy cái sai cũng không nên đáp trả bằng cách sai hoặc nhân danh cái đúng để cho phép mình làm sai được.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.