(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Không thể phủ nhận, việc tính điện một giá sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, dễ hiểu, đơn giản, theo đúng tiêu chí dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu và sẽ không còn những thắc mắc liên quan đến hóa đơn tiền điện tăng vọt như thời gian qua. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực đó, phương án này cũng sẽ kéo theo nhiều bất cập khác.
Thứ nhất, việc xây dựng biểu giá điện bán lẻ cần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội và khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Việc áp dụng giá điện bậc thang như hiện nay chính là để phục vụ yêu cầu này. Thế nhưng, nếu chuyển sang áp dụng điện một giá thì không bảo đảm được các mục tiêu trên của Chính phủ. Bởi lẽ, khi đó, người dùng điện sẽ không còn bị giới hạn mức tiêu thụ theo bậc, thoải mái dung điện số cao mà không lo chệch lệch giá lớn so với mức thấp. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ quá tải và thiếu điện để cung cấp.
Thứ hai, điện một giá sẽ kéo theo việc công suất khai thác điện bị đẩy lên cao hơn. Trong khi đó, sản xuất điện lại tạo ra một lượng chất thải độc hại đẩy ra môi trường. Nói cách khác, để phụ vụ nhu cầu dung điện một giá của người dân, chúng ta sẽ phải đối mặt với một bài toàn khác không kém phần hóc búa là ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, nhiều người cho rằng điện một giá sẽ tạo nên công bằng cho người sử dụng điện, ai dùng nhiều trả nhiều, ai dùng ít trả ít. Thực ra, những người này không quan tâm đến sự bình đẳng giữa những người sử dụng điện ở các mức khác nhau, thứ họ muốn là được dùng điện với giá rẻ nhất có thể. Nói chính xác hơn thì chúng ta đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm "cách tính giá điện" và "giảm giá tiền điện".
>> Tôi không tin tiền điện tăng bốn lần vì nắng nóng
Cách tính giá điện bậc thang là tối ưu cho người thu nhập thấp, sử dụng ít điện. Trong khi đó, tính một giá điện bình quân, trong khi lợi nhuận của nhà cung cấp không đổi, đồng nghĩa với việc những người sử dụng ít điện sẽ phải trả thêm tiền đề bù vào số tiền được giảm bớt của những người dùng nhiều - một thứ công bằng ảo. Khi ấy, chắc chắn sẽ lại nảy sinh thêm nhiều bất công mới. Thứ mà nhiều người đang cần thực chất là được "giảm giá tiền điện" – điều mà gần như không thể xảy ra dù tính điện theo kiểu nào.
Mức giá của phương án một giá đang được cân nhắc nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/KWh. Trong khi đó, EVN đang mua điện từ nhiều nguồn với các mức giá khác nhau là Thủy điện, Nhiệt điện than, Điện khí, Điện mặt trời... Vậy sau khi tính toán lại, mức giá điện trung bình sẽ là bao nhiêu? Liệu nó có thực sự đem lại lợi ích về mặt kinh tế cho người sử dụng? Đó sẽ là một câu hỏi chưa thể có câu trả lời.
Nói tóm lại, điện là một mặt hàng đặc biệt, nó không giống như những mặt hàng kinh doanh khác theo kiểu càng mua nhiều càng rẻ. Việt Nam khuyến khích người dân tiết kiệm điện, đồng thời hài hòa lợi ích cho những người sử dụng điện ít. Đó là lý do giá điện bậc thang ra đời và được áp dụng. Những sự việc gây tranh cãi thời gian qua liên quan đến biểu giá điện và việc hóa đơn điện tăng cao bất thường đặt ra một bài toán: phân chia số bậc và mức giá từng bậc thế nào cho hợp lý, đồng thời kiểm soát hoạt động ghi và tính tiền điện ra sao để đảm bảo minh bạch, chứ không phải đưa điện về một mức giá.
Singapore đang áp dụng điện một giá. Tuy nhiên, quốc gia này luôn phải điều chỉnh giá rất linh hoạt, theo chu kỳ ba tháng một lần. Sau mỗi ba tháng, ngành điện sẽ tính toán lại chi phí đầu vào, và điều chỉnh giá điện tăng giảm theo tình hình thực tế. Nếu áp dụng theo cách này, việc bán điện ở Việt Nam sẽ giống với xăng dầu. Liệu lúc đó, người ta có lại mổ xẻ, than thở khi giá điện lên xuống thất thường, và đòi về lại mức bậc thang cố định như hiện nay?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.