Quanh câu chuyện về cách dạy con sai lầm, độc giả Vân anh kể lại chính những tổn thương tâm lý khi bị cha mẹ đem ra so sánh: "Tôi còn nhớ năm 17 tuổi - thời điểm tâm lý tuổi dậy với lòng tự trọng rất cao. Bố mẹ khi ấy luôn mang điểm yếu, sai lầm của tôi vào trong những cuộc nói chuyện với người khác như một câu chuyện phiếm. Tôi đã rất tổn thương với những lời nói đó và phải rất lâu sau khi trưởng thành, tôi mới có thể tha thứ cho mẹ. Giờ đây, tôi luôn nhắc nhớ về chuyện này mỗi lần muốn trách mắng con".
Đồng cảm với những trường hợp trẻ bị cha mẹ đem ra so sánh, bạn đọc AnhPhuong bày tỏ quan điểm: "Khổ cho thứ văn hóa khiêm tốn, cộng với cầu toàn của các bậc phụ huynh Việt, khiến bao con cái bị chê bôi trước mặt người khác. Hầu như đứa trẻ nào cũng được nghe kể đi kể lại suốt ngày các câu chuyện về 'con nhà người ta'. Trong khi thực tế, những đứa 'con nhà người ta' ấy đôi khi cũng bị chính cha mẹ chúng chê bai tương tự. Thế nên, mỗi khi bố mẹ tôi 'khiêm tốn' thái quá, đem tôi ra so sánh, tôi lại tự dặn lòng rằng biết đâu mình lại là 'con nhà người ta' trong mắt người khác?".
Nhấn mạnh những tác động tiêu cực khi cha mẹ đem con ra so sánh với người khác, độc giả Tamduc cho rằng: "Nhiều bậc cha mẹ hay so sánh con mình với con người ta, rất hại cho tính cách và cuộc sống của đứa trẻ. Lúc nào cũng 'con người ta hơn thế này, thế kia' sẽ chỉ làm cho đứa trẻ thêm tự ti. Tại sao người lớn không tự đặt câu hỏi xem tại sao con mình không bằng con người ta, để từ đó nói rõ, giải thích cho trẻ hiểu những điều phù hợp với sức khỏe, tính cách của chúng. Về chuyện học hành, các bậc cha mẹ cũng đừng ép con mình phải có thành tích, mà chỉ cần con học bình thường, miễn sao có sức khỏe và đủ kiến thức. Còn cứ bắt trẻ phải học ngày, học đêm để phải đi thi trường top, lâu dẫn sẽ biến con thành kẻ tâm thần vì học nhiều hay vì thiếu ngủ, như vậy cũng xem như thất bại".
>> Những đứa trẻ không được yêu thương công bằng
"Năm ấy, tôi thi rớt đại học, mẹ luôn thở dài thườn thượt và nhìn tôi với ánh mắt khinh thường. Bản thân tôi đã cố gắng đi làm và tự ôn thi lại. Năm sau, tôi thi đậu với điểm rất cao nhưng mẹ vẫn chẳng vui chút nào. Đến bây giờ, hình ảnh ấy vẫn đè nặng trong tôi, nhưng đó đồng thời cũng là một trong những động lực để tôi có ngày hôm nay. Khi con tôi học cấp hai, cháu mê chơi game, trốn học vào quán net. Tôi đến trước quán, đứng bên kia đường rồi gọi nhờ chủ quán vào bảo nhẹ nhàng với con 'đến giờ học rồi, mẹ đang đợi chở đến lớp'. Từ đó, con tôi bỏ game và vẫn cảm ơn mẹ mỗi khi nhắc về chyện này", bạn đọc Enter chia sẻ về cách hành xử nên làm của các bậc cha mẹ.
Kịch liệt phản đối việc cha mẹ so sánh con cái, bạn đọc Xuanhiena5 khẳng định: "Không thể so sánh con mình với con nhà người khác vì bản thân bố mẹ cũng không giống người ta. Xã hội nào cũng sẽ có người giàu, người nghèo, người thành công, người thất bại. Một lớp có 45 học sinh, điểm đầu vào như nhau, nhưng đâu phải sau này ai cũng làm giám đốc hoặc ai cũng làm công nhân. Có người sẽ làm lãnh đạo, có người sẽ làm nhân viên, điều đó là hoàn toàn bình thường. Nhưng trên hết vẫn là mỗi người cần sống sao cho thoải mái về tâm hồn, không sân si, không ốm đau bệnh tật, không làm việc trái đạo đức xã hội, luôn cảm thấy yêu quý công việc của mình để cống hiến hết khả năng và đêm về được ngủ ngon. Đó mới là cuộc sống của một con người".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.