Theo dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật, học sinh vi phạm kỷ luật sẽ không bị khiển trách trước lớp, trước hội đồng kỷ luật của trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ hay một năm học như hiện nay nữa. Độc giả Thái Sin không đồng tình:
"Tôi từng xem một phim Mỹ, trong đó có một thầy giáo được điều đến làm Hiệu trưởng một trường có nhiều học sinh hư hỏng. Câu đầu tiên ông ấy nói là: 'Không ngắt những trái nho thối sẽ làm hỏng cả chùm nho". Tôi từng đi học và chứng kiến có những học sinh cấp hai, vào lớp không phải để học, mà là để kết bè phái kiểu băng nhóm giang hồ, chuyên đi ức hiếp, đánh đập, trấn lột tiền của những học sinh khác. Chưa kể có những thành phần còn rủ rê, lôi kéo bạn bè sử dụng chất kích thích.
Trường tôi từng học, có một học sinh lớp tám hư hỏng bị đuổi học. Vậy là học sinh đó kêu thêm những thành phần lưu manh 15, 16 tuổi khác ra phía sau trường, dùng đá ném vào cửa sổ của các lớp đang học. Cô Hiệu trưởng sau đó phải gọi cảnh sát đến xử lý. Tôi cho rằng, nếu không đuổi học những thành phần hư hỏng này, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tàn nhẫn với những học sinh ngoan bị ức hiếp, bạo hành.
Tôi từng chứng kiến những học sinh hư hỏng mà ngay cả trường giáo dưỡng cũng chưa chắc dạy dỗ được chứ đừng nói là trường bình thường. Ai có con em bị những đứa trẻ hư hỏng ức hiếp, đánh đập mới hiểu được nỗi đau đớn, khổ sở của con mình thế nào. Thậm chí, các em bị ức hiếp mà không dám kể cho bố mẹ hay giáo viên biết, vì sợ sẽ bị chặn đường đánh tiếp. Đừng vì vài học sinh cá biệt mà gây nỗi đau tinh thần không bao giờ nguôi cho những em học sinh ngoan".
>> 'Đuổi học là tạo thêm một thành phần bất hảo cho xã hội'
Bạn đọc Thien Huong Bui Pham lại có cái nhìn khác về cách giáo dục học sinh cá biệt:
Nhân dự thảo mới của luật giáo dục đang nóng, cá nhân tôi vô cùng ủng hộ việc chú trọng các giải pháp giáo dục tích cực để giúp đỡ khi học sinh vi phạm khuyết điểm. Không còn cảnh đuổi học, kỷ luật, cảnh cáo trước lớp, hay dưới cờ... là điều nhân văn.
Tôi cho rằng, khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, là còn đang ở tuổi định hình nhân cách. Các em có đi chệch hướng, sai đường, hay hành vi xấu, không phù hợp thì người lớn, cụ thể là thầy cô, cha mẹ phải cùng nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc uốn nắn, dạy dỗ. Giáo dục một đứa trẻ bình thường vốn đã đòi hỏi nhiều công sức, thì giáo dục một đứa trẻ hư càng lại đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn gấp bội. Người lớn phải hiểu một điều, từ bỏ một thói quen xấu luôn là điều rất khó đối với cả người lớn, cần nhiều thời gian, quyết tâm. Vậy nên, đối với một đứa trẻ cũng tương tự. Do đó, để uốn nắn trẻ hư, chúng ta cần nhiều thời gian hơn nữa cho cả bản thân đứa trẻ và cho người giám hộ.
Đặc biệt ở tuổi dậy thì, học sinh rất hay phạm lỗi. Kể cả những lỗi nghiêm trọng như bạo lực học đường cũng đều xuất phát từ tâm lý lứa tuổi mới lớn, muốn khẳng định cái tôi và thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Chính vì chỉ đang định hình tính cách, nên trách nhiệm của chúng ta là phải giúp trẻ hành xử đúng đắn để có tri thức, có đạo đức, nhằm hướng đến tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân trẻ. Điều đó cũng giúp xã hội bớt đi một thành phần bất hảo".
>> Bạo lực là giải pháp khi giáo viên bất lực
Trong khi đó, độc giả Trọng Hiến lại nhấn mạnh đến vai trò và thái độ của gia đình học sinh trong việc phối kết hợp với nhà trường để đưa ra giải pháp dạy trẻ hữu hiệu nhất:
"Ngành giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, nhưng không ít phụ huynh có con em hư cũng bênh quá đà. Thầy cô chỉ cần chạm nhẹ là lên trường đòi hành hung thầy cô, hoặc lên mạng "bốc phốt". Riêng tôi, nếu con hư, tôi ủng hộ thầy cô trừng phạt đúng tội đúng chỗ (không phải đánh bừa). Cháu làm sai, tôi sẵn sàng đến gặp thầy cô, gia đình bạn cháu để xin lỗi và về dạy bảo lại. Chứ kiểu bênh con quá đáng vậy sẽ khiến trẻ ỷ lại.
Nhà trường ra hình thức đuổi học sẽ chỉ có cha mẹ là khổ chứ trẻ càng thích. Học sinh ngoan mới sợ bị đuổi học nên các cháu không làm những chuyện phá hoại. Còn học sinh hư không cần đuổi chúng cũng có cái lý do trong đầu để trốn học. Cứ phạt lao động công ích, bắt đi trồng cây, tưới rau dưới sự giám sát của đại diện phụ huynh và thầy cô trong trường là tốt nhất. Chỉ cần cắt hết nguồn giải trí vô bổ, học sinh nào quá hư thì chuyển tập trung vào trường giáo dưỡng, áp kỹ luật quân đội. Như vậy mới hy vọng 80% trong số đó thay đổi được tính nết".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Thành Lê tổng hợp