Gần đây, dư luận Trung Quốc xôn xao về một clip trên mạng xã hội trong đó có cảnh một cậu bé mặc váy hoa tại thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Để tránh bị mọi người chú ý, cậu bé cố tình nấp đằng sau áo mẹ nhưng vẫn bị người đi đường quay phim và chụp ảnh. Nguyên nhân là em gái của cậu vừa tiêm phòng xong nhưng mặc váy cộc tay, người mẹ lo chỗ tiêm bị lạnh nên đã đổi quần áo của hai anh em.
Sau khi video được chia sẻ, nhiều người khen ngợi anh em cậu bé. Tuy nhiên cũng có người nhìn thấy dáng vẻ đau khổ đằng sau nụ cười gượng gạo của cậu. "Cậu bé cảm thấy thế nào khi gặp bạn bè hoặc người quen? Trẻ con cũng là người có lòng tự trọng", một người bình luận.
Nhà tâm lý học Trần Tử Hồng sau khi xem đoạn video nhận xét: "Người lớn cho rằng trẻ em chưa đủ khả năng nhận thức để biết xấu hổ, đó là sai lầm. Trong nhiều trường hợp, trẻ còn biết giữ thể diện hơn người lớn". Theo chuyên gia này, khi trẻ lên 4, chúng bắt đầu quan tâm đến cách người khác nhìn nhận về mình và cố gắng duy trì hình ảnh cũng như danh dự của bản thân. Thế nhưng hầu hết cha mẹ không nhận ra điều này. Họ phớt lờ nhu cầu tôn trọng con cái và đùa giỡn với trẻ một cách kém duyên.
Cách đây không lâu, video về một cô bé 13 tuổi, tăng 15kg trong thời gian ở nhà do Covid-19 cũng hút người dùng mạng Trung Quốc. Ngày quay trở lại trường, cô phát hiện không thể ních được vào đồng phục cũ. Đối với một cô bé, tăng cân không phải là tin tốt, nhưng mẹ cô lại cho là vui, chụp những bức ảnh con gái lóng ngóng với bộ đồng phục rồi tung lên mạng. Vài ngày sau, các bạn trong lớp xem được video và cười nhạo. Cô bé cảm thấy xấu hổ, khóc lóc và yêu cầu mẹ xóa video. Người mẹ không những không xóa mà còn gửi video cho cô giáo. Nhìn thấy lượng xem ngày càng tăng, bà hỏi: "Con có biết mình nhận được bao nhiêu lượt thích rồi không? Đừng xóa, mẹ nghĩ nó rất vui đó", người mẹ nói.
Nhà văn viết truyện thiếu nhi Trịnh Uyên Khiết từng nói: "Nếu muốn hủy hoại con mình, điều đầu tiên bạn nên làm là tiêu diệt lòng tự trọng của trẻ. Trong số đó, thủ đoạn của ‘kẻ giết người’ là thể hiện sự xấu xí của trẻ ở nơi công cộng, gây sát thương, hạ uy tín và khiến nó cảm thấy xấu hổ trước mặt người ngoài".
Trên mạng xã hội hỏi - đáp Zhihu vừa đưa ra chủ đề: Điều gì tệ hại nhất mà bố mẹ từng làm với bạn?
Một độc giả chia sẻ câu chuyện của mình. Anh mắc sai lầm khi còn nhỏ và bị mẹ lột trần, đuổi ra khỏi nhà. Dù gõ cửa trong tuyệt vọng nhiều tiếng đồng hồ nhưng người mẹ vẫn dửng dưng. "Nhục nhã nhất là bạn gái nhà đối diện đã nhìn thấy bộ dạng thảm hại của tôi. Tôi không bao giờ quên được ánh mắt chế giễu nhìn mình khi đó", người này nói. Hai mươi năm đã trôi qua, người đàn ông này, dù mùa hè vẫn không dám mặc quần đùi, chỉ mặc quần dài. "Nếu không có vải quấn chặt vào chân, tôi cảm thấy khó chịu". Khi giao tiếp với con gái, anh vô thức đổ mồ hôi tay và ghét bị người khác giới nhìn mình. Trong nhiều năm, chàng trai này cũng thường xuyên gặp ác mộng. "Có một cảnh lặp đi lặp lại trong giấc mơ chính là tôi khỏa thân giữa sân trường, bị mọi người cười cợt, chế giễu", anh kể lại.
Nhà giáo dục người Nga Vasily Sukhomlinsky từng nói: "Nhân phẩm của trẻ là góc nhạy cảm nhất trong tâm trí con người. Chúng sẽ bảo vệ lòng tự trọng và sức mạnh tiềm ẩn bên trong trẻ. Những đứa trẻ bị tước đoạt phẩm giá sẽ phải cố gắng hơn để sống đàng hoàng".
Trong chương trình "Giáo viên hãy lắng nghe" của đài truyền hình trung ương Trung Quốc, Tiểu Quân kể lại thời niên thiếu thường xuyên cãi vã với mẹ và có kết quả học tập tệ hại.
Mọi việc bắt đầu khi người mẹ nhìn thấy con trai đi chơi với học sinh cá biệt. Ngay lập tức, bà đã lao đến quát mắng con trai trước mặt các giáo viên và phụ huynh. Sự việc này khiến Tiểu Quân "nổi tiếng". Từ đó cậu hận mẹ, thường xuyên bỏ học để trêu tức bà.
Khi kể chuyện, Tiểu Quân, nay ở tuổi 40 nói rằng, dù việc trải qua đã rất lâu nhưng anh chưa bao giờ nguôi ngoai. "Loại sỉ nhục này không làm tôi có được bài học mà chỉ khiến tôi càng trở nên hằn học với mọi người. Hoặc là tự ti đến cực điểm, hoặc ngày càng nổi loạn, tôi chọn phương án 2", Tiểu Quân nói.
Người đàn ông này khẳng định, dù 30 năm hay lâu hơn nữa, cảm giác tủi nhục vẫn luôn là nỗi đau hằn sâu trong tim anh. "Duy trì lòng tự trọng mới đảm bảo tâm lý cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Tôi đã thực hiện điều này với chính những đứa con của mình", Tiểu Quân chia sẻ.
Làm thế nào để bảo vệ lòng tự trọng mỏng manh và nhạy cảm của trẻ? Trên thực tế, chỉ cần làm ba điều sau.
1. Đối xử với trẻ em như người lớn
Có một quy luật bố mẹ cần ghi nhớ, khi giao tiếp với một đứa trẻ, hãy tăng thêm cho chúng 20 tuổi. Ví dụ như con bạn 10 tuổi, hãy nghĩ nó như một người 30 tuổi để giao tiếp. Để tôn trọng trẻ em, trước tiên bố mẹ phải nhận ra rằng trẻ giống như người lớn, có nhu cầu duy trì lòng tự trọng.
Con gái của diễn viên Giả Tịnh Văn là một đứa trẻ ngoan. Không may bị ngã khi đang chơi, phản ứng đầu tiên của cô bé 3 tuổi là quan sát xung quanh xem có ai để ý không. Để bảo vệ thể diện đồng thời khuyến khích con tự giải quyết vụ việc, cả gia đình vờ như không nhìn thấy và chờ con đứng lên.
Như nhà tâm lý học người Mỹ William James đã nói: "Một trong những nỗ lực sâu xa nhất của con người là mong được ca ngợi, ngưỡng mộ và tôn trọng. Đối xử bình đẳng với trẻ, giữ thể diện khi lớn lên thì trẻ mới có đủ không gian để trưởng thành".
2. Không dạy con trước mặt người khác
Học giả Lữ Khôn thời nhà Minh đã từng đưa ra "Bảy quy tắc không chịu trách nhiệm" đối với những sai lầm của trẻ. Trong đó quy tắc thứ nhất chính là không nên chịu trách nhiệm trước mọi người.
Trong phim "30 chưa phải là hết", nhân vật Cố Giai đã làm được điều này. Trong cuộc phỏng vấn ở trường mẫu giáo, Hứa Tử Ngôn – con trai Cố Giai trả lời sai liên tiếp câu hỏi của giáo viên liên quan đến địa lý. Vì lo lắng và xấu hổ, cậu bé đã cắn tay người phỏng vấn. Hầu hết phụ huynh khi nhìn thấy cảnh tượng này đều có thể mắng con ngay tại chỗ và yêu cầu xin lỗi cô giáo. Nhưng Cố Giai thì không. Cô đã xin lỗi các giáo viên trong khi an ủi con trai mình.
Khi trở về nhà, Cố Giai để con bình tĩnh trước khi chỉ ra vấn đề: "Con cắn cô là sai và cần phải đến xin lỗi cô". Việc làm của người mẹ không chỉ khiến trẻ được cảm thấy tôn trọng mà còn giúp trẻ nhận ra lỗi lầm của mình. Người mẹ này từng nói, chỉ khi để một đứa trẻ tin rằng mình tốt nhất trong mắt người khác thì mới có thể có sức mạnh và trở nên tốt hơn.
3. Chủ động bảo vệ trẻ em trước mặt người khác
Nữ MC nổi tiếng Trung Quốc Lý Tương từng dẫn con gái Vương Thi Linh đi xem biểu diễn. Có người nhìn thấy cô bé hỏi "Con nghĩ con quá béo không?". Cô bé chỉ im lặng, cúi đầu xấu hổ. Lý Tương lập tức đứng ra bảo vệ: "Con gái tôi không béo, nó chỉ là đứa trẻ và dinh dưỡng là quan trọng nhất. Tương lai của cháu còn rất dài".
Khi gặp ác ý, ban đầu trẻ sẽ không thể tự bảo vệ mình. Lúc này cha mẹ hãy lên tiếng thay mặt trẻ. Đó là sự bảo vệ vô hình và mạnh mẽ cho lòng tự trọng của con.
Nhà triết học người Anh John Locke nói, lòng tự trọng là áo giáp trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Cha mẹ càng ít công khai lỗi lầm của con cái, họ càng coi trọng danh tiếng của chính mình, và do đó họ sẽ cẩn thận hơn để bảo vệ những lời khen ngợi của người khác về mình.
"Cha mẹ biết cách quan tâm đến cảm xúc của trẻ và tin rằng trẻ cũng cần được tôn trọng như người lớn. Trẻ sẽ bước vào chu kỳ tích cực, tin vào giá trị của bản thân và tạo ra giá trị lớn hơn cho thế giới" Lý Tương nhận định.
Hải Hiền (Theo sohu)