Độc giả Hồng Đức Nguyễn đồng tình với "đề xuất bỏ quy định đuổi học" đối với học sinh vi phạm nội quy trường học: "Đuổi học một tuần, các em học sinh đó sẽ không theo kịp chương trình, nhất là ở bậc THCS và THPT. Kiến thức ở bậc học này rất lớn, mất một nội dung cũng dễ hình thành lỗ hổng kiến thức. Nếu đuổi học một học kỳ, không khác nào khuếch đại lỗ thủng đó. Nếu áp dụng đối vs bậc đào tạo trên phổ thông có thể hợp lý hơn. Ít nhất, sinh viên còn có cơ hội suy nghĩ lại và chịu khó học tập vì đã có nhận thức tốt.
Đa phần các học sinh phải chịu mức kỷ luật này đều có kiến thức bị hổng quá nhiều. Chúng ta có thể cho các em học lại một năm để đảm bảo chất lượng học sinh đầu ra, đồng thời cũng là một hình thức răn đe cho những em có ý định vi phạm. Đuổi học là vô tình dùng đòn đánh tâm lý mạnh, dễ đánh mất học sinh mãi mãi, nhất là đối với các em ít được gia đình quan tâm và có thái độ chống đối xã hội. Từ đó, có thể hình thành nên những cá nhân lêu lổng, dễ làm những chuyện xấu cho xã hội. Sẽ không có cách nào tốt toàn diện, nhưng hãy chọn giải pháp thay vì hình phạt".
Bạn đọc Thanh Niên Quan Ngại nhấn mạnh trách nhiệm của giáo dục là đào tạo nhân cách của con người chứ không thể xua đuổi học sinh: "Tôi đồng tình với đề xuất này. Vì giáo dục là ngành dạy cho con người không chỉ kiến thức mà còn nhân cách. Trẻ em dù có ngỗ ngược nhưng vẫn có thể uốn nắn chứ không nên xua đuổi. Một khi đã bị đuổi, dù các em có hối hận mà muốn làm lại cũng không còn cơ hội vì vết nhơ dài ảnh hưởng đến cả tâm lý sau này. Khi đó, hư lại càng hư và không ai nắn được nữa, xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả".
Độc giả Phương Anh cho rằng không thể dùng hình thức đuổi học để giáo dục học sinh hư: "Học sinh đi học để được rèn luyện, giáo dục. Học sinh hư càng phải được rèn nhiều hơn, giáo dục ý thực nhiều hơn nữa. Việc đuổi học hai tuần, một năm hay đuổi học là không đúng mục đích của giáo dục. Trong khi đó, quyền của trẻ em là được học tập. Tôi thấy hình thức kỷ luật tốt nhất là cho lao động công ích. Học sinh đã hư, nay lại không được đi học, vậy khác nào làm các em hư thêm?".
>> Bạo lực là giải pháp khi giáo viên bất lực
"Nên bỏ mức kỷ luật đuổi học. Trường học là nơi dạy dỗ, uốn nắn để học sinh trưởng thành, có kiến thức và văn hoá, tạo ra các cá nhân có ích cho xã hội, hoặc ít nhất là biết phân biệt đúng - sai, xấu - tốt. Khi trường ra quyết định đuổi học cũng giống như việc từ bỏ mầm non ấy. Học sinh bị đuổi học chẳng có lựa chọn gì: một là ra đời đi làm sớm, hai là trở thành thành phần bất hảo. Tôi thấy phần đông sẽ nằm ở lựa chọn thứ hai, vì nếu chọn cái thứ nhất, em học sinh ấy vẫn biết suy nghĩ và đã không bị đuổi học", bạn đọc KThi Bo bổ sung thêm.
Độc giả Trọng Hiến đề xuất giải pháp thay thế cho hình thức đuổi học đối với học sinh cá biệt: "Bảo tụi nhỏ nhịn ăn một tuần chúng còn sợ, chứ đuổi học một ngày, một tuần, một tháng hay một năm, chúng càng thích. Học sinh đã hư thì chỉ có nghĩ đến việc nghỉ học, đi chơi thôi, chứ chưa thể nghĩ sâu xa chuyện tương lại như người lớn. Chỉ có người lớn mới sợ đình chỉ công tác, chứ học sinh không sợ nghỉ học. Phải tìm những thứ thực sự quan trọng với trẻ ở độ tuổi tương ứng (ví dụ cấm dùng internet, điện thoại, lao động công ích...) để phạt mới có sức răn đe".
Bạn đọc Truong tran chia sẻ thêm:"Tôi đồng tình với đề xuất bỏ luôn dạng hình phạt vô nghĩa như bắt nghỉ học, đuổi học. Cơ bản vì nó không có tác dụng giáo dục. Đề nghị áp dụng biện pháp lao động công ích như chăm sóc viện dưỡng lão, trồng cây, nhặt rác... hoặc những biện pháp văn minh hướng thiện khác. Đòn roi cũng nên hạn chế, chỉ nên xem là một phương pháp tức thời chứ không nên lạm dụng. Cuối cùng là tuyệt đối không dùng lời nói miệt thị, sỉ nhục các em, hành động này sẽ ảnh hưởng vô cùng tai hại với tâm lý trẻ về sau".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lê Phạm tổng hợp