Đồng tình với quan điểm "Đòn roi chỉ tạo nên những đứa trẻ vô cảm", độc giả Khoatam07 cho rằng đòn roi không giải quyết được gì mà chỉ làm xấu đi mọi chuyện:
"Cha mẹ dùng đòn roi là bất lực trong cách dạy. Tôi từng mắc sai lầm như vậy. Chỉ vì nóng tính, áp lực khi nói nhiều mà con không nghe, tôi đã đánh con dù sau đó bản thân cũng khóc. Khi vào lớp 1, lúc nào con cũng muốn đi học: "Ở lớp cô Thảo vui lắm. Cô nói chuyện cười và không to tiếng như mẹ. Cô trêu tụi con, chia nhóm trả lời câu hỏi, thắng sẽ được thưởng". Hết lớp một, con tôi buồn vì phải chia tay cô.
Lên lớp hai, con hỏi: "Sao cô Phương cứ gọi con với các bạn là anh, chị vậy mẹ? Cô toàn nói to rồi đập bàn. Có bạn đọc bài không được cô bảo mắng ngu. cô Thảo có vậy đâu. Con không thích học cô Phương". Cuối năm đó, đến trường nhận thưởng, tôi hỏi con có chụp hình với cô không? Con từ chối. Nay con đã lên lớp ba, hôm đi nhận lớp, con vẫn nhắc đến cô Thảo.
Nhờ cô giáo lớp 1 đó, tôi cũng đã thay đổi cách dạy con. Tôi không đánh đòn, ít to tiếng với con. Từ đó con nói chuyện, tâm sự với tôi nhiều hơn. Tôi đã nhận ra đòn roi không giải quyết được gì, mà chỉ làm xấu đi mọi chuyện. May mắn tôi đã nhận ra trước khi quá muộn, nếu không đã làm hỏng tuổi thơ của con".
Nhấn mạnh phương pháp dùng đòn roi dạy con sẽ để lại hậu quả dai dẳng cho đứa trẻ, bạn đọc Kanon chia sẻ:
"Hành xử bạo lực với trẻ em sẽ để lại hậu quả dai dẳng hơn với người lớn. Trẻ em tâm lý chưa ổn định. Cả thế giới trong tầm mắt các em chỉ có cha mẹ và thầy cô. Nếu như ngay cả cha mẹ, thầy cô cũng dùng bạo lực thì các em biết bấu víu vào ai? Từ đó, các em sẽ sinh ra chơi vơi, lòng tự tin bị tổn thương nghiêm trọng, về sau này sẽ hình thành nên sự tự ti, nghĩ rằng ra ngoài xã hội ai chà đạp lên mình cũng được, do số mình sinh ra nó đã thế rồi.
Trong khi đối với người lớn, nếu làm chủ được cảm xúc, chúng ta hoàn toàn có thể coi những điều chướng tai gai mắt ngoài đời là vặt vãnh và tìm cách quên đi được. Thậm chí, chúng ta còn tìm cách chống trả lại. Những người năm xưa bạo hành với con, ra đường họ không tranh đấu với ai nên về nhà hoặc vào lớp mới trút hết lên đầu đứa trẻ. Đối với trẻ nhỏ, họ có thể hùng hổ, nhưng gặp người lớn hơn, mạnh hơn, họ lại rúm ró hoặc hành xử mềm mỏng, lịch sự một cách rất bất thường".
>> Mẹ bỏ đòn roi, con thôi bạo lực
Từng là nạn nhân của những trận đòn roi, ngược đãi của cha mẹ, độc giả Lady40 chia sẻ cách vượt qua:
"Cha mẹ nếu thật sự yêu thương con, sẽ đau gấp 100 lần khi làm con đau và họ chỉ bất đắc dĩ mới phải làm thế để dạy con. Ngược lại, cha mẹ nếu chỉ xem con cái là công cụ để đạt được lợi ích cho bản thân, họ sẽ không cảm thấy đau khi đánh đập và chửi rủa con cái.
Ai may mắn có được cha mẹ tốt thì nên biết quý trọng, hiếu thảo. Ai không may mắn thì nên cố gắng sống tốt, tránh chạm mặt để không đi vào vết xe đổ mà làm hại con cái của mình sau này. Cũng không nên bất hiếu và tìm cách trả thù cha mẹ. Dù cha mẹ đối xử tệ thế nào nhưng cũng vẫn có công sinh thành, dưỡng dục. Cứ nghĩ là do ông trời đang thử thách xem ta có xứng đáng để sau này có được một gia đình riêng hạnh phúc viên mãn hay không?
Tôi cũng bị cha mẹ ngược đãi từ nhỏ tới lớn, đến nỗi từng nhiều lần có suy nghĩ tự tử. Nhưng rồi tôi lại nghĩ chết hay đi tu... cũng chỉ là sự hèn nhát, trốn chạy, tiêu cực với cuộc sống".
Cũng phải chịu những trận đòn roi của cha từ nhỏ, bạn đọc Lê Đình Văn vẫn chưa thể quên những ám ảnh trong quá khứ:
"Người lớn hay nghĩ rằng trẻ con không biết gì nên tự do hành động theo ý mình muốn. Nhưng tâm lý con người càng bị chèn ép, càng bạo lực sẽ nhận lại sự vô cảm. Bố tôi hay áp đặt cuộc sống của tôi từ khi còn nhỏ cho đến thiếu niên. Ngay từ nhỏ tôi đã xác định khi lớn lên sẽ rời khỏi nhà, không sống ở đó nữa. Lớn lên, tôi với bố chẳng bao giờ nói chuyện với nhau nữa".
>> Những đứa trẻ bất hạnh vì bố mẹ bỏ quên quyền trẻ em
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc trước khi dùng đòn roi dạy con, độc giả Lê Tơ Vương cho rằng:
"Trên thực tế, khi ra quyết định dùng roi hoặc quát mắng, các bậc phụ huynh đã quy chụp việc mắc lỗi của con trẻ dựa trên suy nghĩ chủ quan của mình. Đánh đòn là lựa chọn chủ quan tất yếu tiếp theo. Tuy nhiên, nếu chỉ chậm lại một nhịp và đặt một vài câu hỏi mang tính chất xây dựng cũng như chia sẻ với con trẻ, mọi chuyện sẽ khác. Ví dụ: 'Sao con lại có thể làm như thế nhỉ?, Thực sự là khó quá phải không con?...".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hồ Công Vương tin rằng dùng đòn roi không phải cách duy nhất để dạy con cái nên người:
"Cá nhân tôi cũng bị cha đánh. Đến năm lớp 11, tôi phản kháng lại nên không bị đánh tiếp. Tôi vẫn nhớ như in mỗi trận đòn thừa sống thiếu chết và những lời sỉ vả của cha. Bây giờ tôi cũng sắp được làm cha. Tôi luôn tự hứa với lòng sẽ không bao giờ đánh con. Con sai, tôi vẫn phải phạt, hư vẫn phải nói cho hiểu nhưng tuyệt đối không đánh đòn. Vì cha mẹ không dùng đòn roi, con vẫn lớn lên và thành người như thường".
>> Bạn nghĩ gì về phương pháp giáo dục trẻ bằng đòn roi? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Việt Thành tổng hợp