Đồng cảm với câu chuyện "'Phát điên' khi dạy con học bài", độc giả Nguyen Tra My chia sẻ thực tế xảy ra tại chính gia đình mình: "Khi dạy con học, cha mẹ phải luôn đặt mình vào vị trí của trẻ để suy nghĩ, chứ không phải dạy theo suy nghĩ của người lớn. Tuổi con còn nhỏ, tư duy chưa hoàn thiện, sao bắt con phải làm như người lớn được? Tôi không cho chồng dạy con học vì chồng học giỏi, thấy cái gì cũng đơn giản, con không hiểu bài thì chê dốt làm nhụt chí của con. Chồng tôi cứ dạy con là quát nhưng lại hay đòi dạy.
Trong khi đó, tôi luôn lấy ví dụ kiểu đơn giản nhất cho con hiểu bản chất vấn đề. Dạy con học, tôi phải đọc kỹ sách giáo khoa để xem ở lứa tuổi con, phải hướng dẫn sao cho đúng, nhiều khi phải gọi điện hỏi giáo viên bài này, bài kia phải giảng như thế nào cho phù hợp? Kỳ vọng vào con của hai vợ chồng khác nhau nên chúng tôi hay tranh cãi về cách dạy con. Trẻ con cũng có cảm giác thành tựu như người lớn, khi hoàn thành tốt bài tập, con cũng rất thích được khen. Cha mẹ nên cho con lời khen và động viên tích cực để con cố gắng".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Zenonimo kể về phương pháp dạy con trái ngược của hai vợ chồng: "Tôi là một người cha thường xuyên dạy con học. Vợ tôi mỗi khi dạy con học luôn muốn chúng phải thật hoàn hảo, làm đâu đúng đó, con sai là quát tháo ngay. Còn tôi lại khác, cứ để con làm bài, sai đâu chỉ con sửa đó. Con làm đúng, tôi khen ngợi, động viên con dù chữ viết chưa được đẹp. Tôi chỉ tạo cho con một chút áp lực nhỏ, ví dụ như 'hôm nay con làm sai năm câu thì mai bố chỉ cho con làm sai bốn câu thôi nhé'.
Hôm sau, nếu bé chỉ sai ba câu, tôi lập tức khen động viên con ngay. Nếu con sai sáu câu mà thái độ của cháu ăn năn, hối lỗi, tôi sẽ không mắng mà nhẹ nhàng an ủi 'bài hôm nay hơi khó, có phải con chưa làm bài giống như thế này đúng không, không sao, mai đừng sai nhiều như thế là được'... Đó là cách tôi dạy con từ khi cháu vào lớp một đến giờ là lớp ba. Hiện cháu rất tự giác học bài, luôn ở top đầu của lớp, vợ chồng tôi cũng rất nhàn khi dạy con học. Cháu tự làm bài tập, bố mẹ chỉ kiểm tra, nếu sai thì đâu thì chỉ cháu ở đó và cháu tự giác làm lại".
>> 'Cha mẹ quát mắng con chỉ chứng tỏ sự bất lực'
Là một người từng mất bình tĩnh khi dạy con, độc giả Hpkhanh chỉ rõ những hệ lụy tiêu cực của phương pháp giáp dục này: "Tôi đã trải qua hầu hết mọi cảm xúc khi chỉ bài cho con học. Dù nhiều lần dặn lòng trước rằng sẽ không nổi cáu với con, sẽ kiên nhẫn, nhẹ nhàng... nhưng trước những tình huống cả bất ngờ lẫn quen thuộc, nhiều lần tôi vẫn phải dừng lại, hít thở sâu để bình tĩnh lại. Thậm chí, có lần tôi không kiềm chế được nên bắt con đóng hết sách vở lại, không cho học tiếp.
Tôi cũng từng nghĩ ra muôn vàn phương pháp tích cực để dạy con, cũng có lần thành công nhưng thất bại còn nhiều hơn thế. Con học, nhưng bố mẹ còn phải học nhiều hơn thế, học cách chế ngự cảm xúc, học làm người có thể đồng hành với một đứa trẻ mà cảm xúc của chúng đang thay đổi nhanh theo lứa tuổi".
Trong khi đó, chia sẻ về phương pháp dạy con hiệu quả, nhàn tênh, mà không cần cáu gắt, bạn đọc Socvamio nhấn mạnh: "Bé nhà tôi năm nay vào lớp một. Tôi không cho bé đi học thêm buổi tối vì thương con phải học cả ngày ở trường đã rất mệt mỏi. Tối đến ăn uống xong, hai mẹ con đi đánh răng rồi ngồi vào bàn học. Tôi dạy con học rất đơn giản, vừa chơi vừa học nên chỉ học trong khoảng một tiếng đồng hồ. Tôi dạy con nhìn kỹ chữ mẫu xem cao và rộng bao nhiêu ô ly để viết cho chính xác, chữ nào chưa đúng, tôi chỉ bảo nhẹ nhàng để bé nhìn lại và sửa.
Trong khi đó, tôi thấy bạn bè trên Facebook, ai cũng kêu 'phát điên' khi dạy con học. Tôi cho rằng, chẳng qua họ chưa biết được điểm yếu của con, kỳ vọng quá cao vào con để sau đó hụt hẫng. Họ cho con đi học thêm để rồi không biết con có bài tập gì về nhà. Họ phụ thuộc vào giáo viên trong khi có thừa thời gian để lo cho con. Có những mẹ hôm nay cho con đi học, ngày mai cầm y nguyên chiếc cặp đó đến lớp mà chẳng thèm biết con học môn gì, sách vở ra sao?
Tôi ngày nào cũng mở cặp, chuẩn bị đồ cho con, lau cái bảng hôm nay con viết cho sạch sẽ để mai có bảng mới cho con dùng. Giặt lại cái bông lau bảng bám đầy phấn cho con... Chỉ từ những việc đơn giản đó thôi để con thấy bố mẹ quan tâm con như thế nào, để con biết rằng cần có sự cố gắng cả từ hai bên. Vậy nên với bé nhà tôi: mỗi ngày đi học là một ngày vui. Cuộc chiến học hành không phải của riêng ai, hãy đặt mình vào con để cảm nhận".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.