Xung quanh câu chuyện "Mắng chửi con - cách nuôi dạy tùy tiện của nhiều cha mẹ Việt", độc giả Minh chia sẻ chính câu chuyện sai lầm của bản thân trong việc nuôi dạy con:
"Cháu lớn nhà tôi năm nay đã được năm tuổi rưỡi. Lúc cháu hơn bốn tuổi, tôi mới phát hiện ra con bị chứng tăng động giảm chú ý. Biểu hiện của cháu là nhẹ nên mãi sau tôi mới phát hiện ra trong một lần được ngồi học cùng ở lớp tiếng Anh. Ví dụ như, khi đến lớp học, cháu chạy lung tung, hơi ngố, nói nhiều, ăn uống nhồm nhoàm, hậu đậu, thường xuyên mất kiểm soát cảm xúc, hay dỗi... Khi đó, tôi rất suy sụp và sâu chuỗi lại những ngày tháng trước đó để tìm ra nguyên nhân.
Tôi sinh bé thứ hai khi bé lớn được hai tuổi và dần thiên vị đứa em hơn. Tôi luôn để đứa anh xem TV cả tối (mối khi đi nhà trẻ về). Tôi rất hay quát mắng con. Có thời điểm, tôi trông con và làm việc nên ít ngủ, bản thân tôi cũng thường xuyên mất kiểm soát và hay đánh mắng đứa anh, luôn bắt đứa anh phải nhường nhịn em. Dần dần đứa con lớn cũng có xu hướng bạo lực và hay đánh em, thậm chí còn đánh cả trẻ con nhà hàng xóm. Mỗi khi như vậy tôi lại cho rằng do con hư, tôi lại càng hay phạt hơn và nghĩ đòn roi là thứ khiến con sợ mà không dám làm thế nữa. Nhưng tất cả là sai lầm.
Tôi luôn dằn vặt và hối hận vì lối dạy con sai lầm của mình. May mắn vài tháng trở lại đây, tôi thay đổi bản thân, ngủ nhiều lên để minh mẫn, nhẹ nhàng với con, dùng lời lẽ và khen ngợi để dạy con, tuyệt đối công bằng với cả anh và em... Hiện giờ, cháu lớn nhà tôi đã cải thiện rõ rệt mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề".
Cùng chung quan điểm cho rằng việc cha mẹ dùng bạo lực với con trẻ sẽ khiến chúng bị ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách sau này, bạn đọc Jeny nhấn mạnh:
"Nhiều ông bố, bà mẹ thất bại ngoài xã hội, nên dồn mọi bực tức lên con đẻ (trẻ con không thể tự vệ và họ nghĩ đây là con mình nên có quyền đánh). Ngày xưa ít cám dỗ, nên có người sinh ra trong hoàn cảnh như vậy vẫn còn có bản lĩnh đi học, thành danh. Chứ ở xã hội hiên đại, nhiều cám dỗ, trẻ em đang tuổi nổi loạn mà gặp ông bố, bà mẹ có tư tưởng "đánh sướng tay, chửi sướng mồm" thì cuộc đời sẽ rẽ sang hướng rất tồi tệ. Những nước phát triển đã trải qua vấn đề này nên mới sinh ra những luật chống bạo hành trẻ em. Ngay cả khung luật cũng quy định phạm tội với trẻ em sẽ cao hơn với người trưởng thành. Vì những ký ức đau buồn khi còn bé có thể định hình tính cách của một con người và ám ảnh cả đời".
>> Tôi đánh mắng con vì ảnh hưởng từ cách dạy của ba mẹ
Nói thêm về những sai lầm của nhiều ông bố, bà mẹ Việt khi dạy con, độc giả Thánh Tuệ chia sẻ:
"Một trong những tâm lý của con người là muốn sống khác đi cách sống mà ba mẹ họ đã chọn (nếu con cái cảm nhận được sự sai lầm trong cách của ba mẹ họ, có đủ sức mạnh nội tại để có thể chọn cuộc sống khác đi), chỉ những đứa không còn đủ sức mạnh để sống khác mới phục tùng và tuân theo răm rắp sự áp đặt của cha mẹ. Ví dụ thường thấy là khi cha mẹ quá keo kiệt, sống tiết kiệm thì con cái có xu hướng tiêu tiền vung tay, ăn chơi sau khi cha mẹ họ qua đời hoặc lúc lớn lên. Hoặc nếu cha mẹ có xu hướng đánh chửi con cái thì con cái lớn lên sẽ có xu hướng bài trừ việc chửi bới này (vẫn là những đứa có thể chọn cách sống khác đi).
Con người có xu hướng không muốn đi vào vết xe đổ. Nhưng thường khi tránh vết xe này lại đi vào vết xe khác, chỉ có một số ít ưu tú mới nhận ra và không đi vào vết xe đổ nào cả. Tâm lý của cha mẹ cũng vậy, khi họ đánh mắng con cái mà không thấy con cái thỏa mãn họ, họ sẽ đổ lỗi ngược lại là con cái hư do nuông chiều, vì họ chưa đủ bạo lực, và cần bạo lực hơn. Nhưng họ lại không nhận ra rằng chính con cái đã hư vì bạo lực của họ. Họ không chấp nhận thực tế đó và đổi lỗi ngược lại là "bị nuông chiều". Người ta cũng hay có xu hướng so sánh với hàng xóm, con nhà người ta... nhưng họ chỉ nhìn thấy bề nổi, không hiểu sự tình bên trong".
Trong khi đó, bạn đọc Uyentrinhtpkt khẳng định thêm phạm vi quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ nuôi dạy con cái của các bậc cha mẹ:
"Cha mẹ sinh con, chăm sóc, nuôi dạy con là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm. Con cái có quyền được sống trong sự yêu thương, bảo ban của cha mẹ. Cha mẹ có quyền dạy dỗ con, nhưng không có nghĩa là tìm lý do sai trái của con để đánh mắng, chửi bới, chì chiết, đó là xâm phạm thân thể. Người lớn thường nghĩ rằng trẻ con nhanh quên, nhưng những gì trẻ con đã học, đã nghe, đã trải qua, nhất là khi mang lại nỗi đau tinh thần thì chúng sẽ nhớ rất lâu, và thỉnh thoảng bị khơi gợi lại dù không muốn nhớ. Cho dù khi lớn lên có thành đạt nhưng họ vẫn thấy cuộc đời vẫn không trọn vẹn. công cuộc dạy dỗ con nên người rất gian nan, mong các ông bố bà mẹ dạy con với phương thức văn minh, công bằng và tình yêu con đúng đắn".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.