Các dấu hiệu này có phải sỏi thận không? (Trần Hồng Xuyên, 49 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Theo chị mô tả đây là các triệu chứng của đi tiểu ra sỏi thận. Sỏi thận hình thành khi có quá nhiều một số khoáng chất nhất định tích tụ trong nước tiểu. Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, nước tiểu trở nên cô đặc hơn và hình thành nên sỏi.
Các loại sỏi phổ biến hiện nay thường được tạo thành từ canxi hoặc axit uric. Chúng được hình thành bên trong thận và có thể di chuyển đến các bộ phận khác của đường tiết niệu như niệu quản, bàng quang...
Sỏi thận có nhiều kích thước, từ nhỏ li ti đến vài cm, thậm chí to đến mức chiếm toàn bộ quả thận. Những viên sỏi nằm ở phần cuối của niệu quản, gần với bàng quang, có nhiều khả năng tự di chuyển để đào thải ra khỏi cơ thể khi đi tiểu. Do đó, các hạt li ti mà chị mô tả có thể là sỏi thận.
Tùy theo kích thước sỏi sẽ có các phương án điều trị khác nhau. Sỏi dưới 4 mm phần lớn sẽ được đẩy ra ngoài bằng đường tiểu, từ thận đi qua hết đường tiết niệu trong khoảng 31 ngày và không cần phải điều trị bằng thuốc. Sỏi 4-6 mm sẽ được đào thải ra ngoài qua đường tiết niệu với khoảng thời gian lâu hơn, từ 45 ngày trở lên và có thể cần phải điều trị.
Với sỏi có kích thước 6 mm, chỉ khoảng 20% trường hợp sẽ đào thải tự nhiên. Lúc này, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc để làm thông thoáng đường tiểu, giúp tống sỏi dễ dàng hơn. Trường hợp sỏi có kích thước khoảng một cm và được đánh giá không quá cứng, bệnh nhân được tán sỏi ngoài cơ thể để hạn chế tối đa nguy cơ can thiệp xâm lấn. Trường hợp sỏi có kích thước từ hai cm trở lên, bác sĩ sẽ thăm khám và quyết định phương án phù hợp để tránh các biến chứng nguy hiểm do sỏi thận, bao gồm mổ nội soi hoặc mổ hở.
Để biết chính xác tình trạng bệnh, chị nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tiết niệu, Thận học để được chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Lê Chuyên
Giám đốc Trung Tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM