Chị họ tôi có hai con, đều lập nghiệp và có nhà ở thành phố. Cả hai đứa đều dự định là sẽ không về quê ở nên vài năm trước đã mời bố mẹ lên ở chung.
Chị tôi tay xách nách mang đồ đạc từ quê lên ở với một đứa con thử vài tháng. Nhưng được một tháng, chị quyết định về quê ở với chồng. Từ đó đến nay, hai vợ chồng ở với nhau, cô đơn, quạnh quẽ trong căn nhà ngói rộng thênh ở quê.
Mỗi năm, gia đình ấy chỉ sum vầy vào dịp Tết và dịp nghỉ hè của các cháu. Ngày giỗ ông bà, tổ tiên những năm trước, con chị còn thu xếp về dự. Nếu không xin nghỉ phép được thì bố mẹ lại xin phép họ hàng dời ngày giỗ vào dịp cuối tuần để con cháu tiện về.
Nhưng các năm gần đây, con cái thành đạt hơn, giữ chức vụ quản lý thì hầu như thời gian dành cho công việc và gia đỉnh nhỏ, hiếm thấy về nhà mỗi năm đôi lần như trước.
>> 'Người bất hạnh mới vào viện dưỡng lão là tư duy lỗi thời'
Vợ chồng chị không thiếu của nhưng sự thiếu thốn lớn nhất lại là tình cảm gia đình của con cháu. Lúc chưa có dịch Covid-19, tôi thường đi bộ rồi qua nhà thăm chị, uống nước trà, xem TV và bàn chuyện thời sự cho vui cửa vui nhà. Tôi biết rằng hai vợ chồng chị khá cô đơn. Mỗi ngày của họ là vòng lặp ăn, ngủ, xem TV, tưới cây... Từ ngày có smartphone, anh chị có thể vừa trò chuyện vừa xem hình ảnh của con cháu nhưng dường như chỉ đem lại cảm giác vui vẻ nhất thời. Có hôm con cái đi làm về muộn, vợ chồng già ngồi trông mãi mà cũng chẳng thấy con gọi.
Họ tâm sự với tôi rằng khi xưa mong con học giỏi, thành đạt để nở mày nở mặt với dòng họ, hàng xóm. Nhưng bây giờ nhìn những nhà con cháu buôn bán, làm nông ở quê nhưng luôn đông đủ, họ thấy khá buồn và chua chát.
Tôi nghe xong cũng giật mình với câu chuyện của họ. Và tưởng tượng ra rằng vài năm nữa, khi hai đứa con lên thành phố học và làm việc, vợ chồng tôi cũng sẽ nối gót anh chị họ của mình.
Những suy nghĩ này khiến tôi trăn trở. Tôi rất ủng hộ việc mỗi người nên chuẩn bị tài chính để lúc tuổi già không là gánh nặng con cháu, không để con phải nai lưng ra làm việc, tích góp để nuôi cha mẹ.
Nhưng tôi thấy nhiều người học tập tư tưởng sống kiểu phương Tây, ủng hộ việc cha mẹ già sống riêng hoặc biệt lập với con cái bằng cách vào nhà dưỡng lão. Tôi khá chạnh lòng và nói ngay rằng không ủng hộ.
Có lẽ đa số những người ủng hộ việc này đều còn trẻ và muốn sống tự do như vậy. Nhưng nếu đặt trong trường hợp là cha mẹ già, có con đi làm, lập nghiệp ở nơi xa. Khi con cái quyết định không sống cùng thì cha mẹ có chấp nhận điều đó không?
>> Trẻ nuôi con, già trông cháu - nỗi khổ của nhiều người già
Cha mẹ già phần nhiều không đặt nặng vật chất, tiền bạc mà con cái phải phụng dưỡng như nhiều người nghĩ. Điều mà người già mong mỏi là nhìn thấy mặt con cháu, trò chuyện và điều khiến họ ấm áp là khung cảnh sinh hoạt gia đình. Những cặp cha mẹ già phải sống cô quạnh, khi một trong hai người về với cõi trời thì người còn lại sống sẽ ra sao? Chuyện vỗ về tinh thần, đâu phải cứ nói "vào viện dưỡng lão" là bù đắp được, đâu phải là chuyện nhẹ như lông hồng mà nhiều người nghĩ.
Tôi đặt ra vấn đề: Khi bố mẹ già, lớp con cái có nuôi nổi không? Nuôi ở đây bỏ qua lớp nghĩa cung phụng về vật chất, tiền bạc như đã nói. Nuôi ở đây chính là sự gắn bó và săn sóc về mặt tinh thần.
Nguyễn Đức
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.