(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ở nhiều quốc gia hiện nay, tuổi thọ bình quân tăng dần nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong khi đó nhu cầu sinh ít con trong các gia đình hiện đại khiến tỉ lệ sinh giảm, làm cho tháp dân số thay đổi, tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số tăng dần và ngày càng có sức ảnh hưởng lớn tới gia đình và toàn xã hội.
Việt Nam không phải ngoại lệ khi dân số từ giai đoạn vàng đang dần bước sang giai đoạn già hóa. Việc biến những thách thức thành cơ hội cho cả người cao tuổi cùng toàn xã hội cần phải được đặt lên hàng đầu.
Thời Trần, khi mệnh nước gặp lúc nguy nan hệ trọng, nhà vua đã phải hỏi ý kiến của các bậc bô lão. Truyền thống của dân tộc ta luôn tin tưởng, quý trọng tới người già, thường có câu "đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" hay "kính già, yêu trẻ". Sự trân quý những kinh nghiệm và quan tâm tới người già là truyền thống chúng ta nên tiếp tục duy trì.
>> Con đòi mua chung cư Sài Gòn cho vợ chồng tôi ở để tiện phụng dưỡng
Người cao tuổi có đức kiên nhẫn và có tinh thần trách nhiệm cao. Dù thể lực suy yếu dần theo tuổi tác, nhưng thay vào đó là sự dẻo dai bền bỉ. Những người già có các hoạt động tinh thần như đọc sách, sáng tác nghệ thuật, dưỡng sinh, hoạt động xã hội và tôn giáo thì trí lực và sự minh mẫn hầu như không suy giảm. Thậm chí một số người còn tỏa sáng nhờ kinh nghiệm lâu năm phong phú trên đường đời. Để họ làm những công việc khả dĩ phát huy đặc tính của người lớn tuổi, nhận thấy mình tồn tại là không thể thiếu đối với xã hội là điều quan trọng vô cùng.
Ở các nước Á Đông, người già thường được con cháu quan tâm chăm sóc, dù gia đình hạt nhân đang dần thay thế truyền thống gia đình nhiều thế hệ. Xã hội phương Tây thì chú trọng vấn đề an sinh xã hội, cung cấp các nhà dưỡng lão, trợ cấp, bảo hiểm y tế cho người già.
Nhưng dù ở đâu, khi cuộc sống nhanh chú trọng đến vật chất, người già càng dễ gặp khó khăn và bị coi như gánh nặng của gia đình và xã hội. Con cháu bận bịu với cuộc sống hối hả nên chưa thể trọn vẹn để quan tâm đến ông bà. Việc bảo trợ xã hội đối với người già cũng chưa thể nói là tốt nếu chỉ có đầy đủ cơ sở phúc lợi về mặt vật chất. Xã hội phải nghĩ xa hơn nữa về mặt tinh thần.
Với tư tưởng học tập và làm việc suốt đời ở phương Tây, những nhà tri thức, nhà hoạt động xã hội, kinh doanh, buôn bán khi về già thông thường vẫn tiếp tục làm việc, một số người sẽ vẫn nhận được các lời mời đi hội thảo, tư vấn, giảng dạy. Bằng cách này họ sẽ tiếp tục đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận người già sẽ chuyển vào các viện dưỡng lão để sinh sống, được chăm sóc và đảm bảo điều kiện sinh hoạt.
>> Tôi sẽ lập hội bạn già để nương tựa nhau, không phiền con cháu
Người phương Đông khi về già thường vui với mảnh vườn của mình, quây quần bên con cháu, với tình làng nghĩa xóm. Đây là một giá trị tốt đẹp, đã được một số học giả phương Tây đánh giá cao. Nhà sử học người Anh Arnold Toynbee từng nhận định: "Ở Anh quốc, tất cả những người già, kể cả tôi, mỗi tuần đều nhận tiền trợ cấp nhà nước. Nhà dưỡng lão cũng có, em vợ tôi đang ở nhà dưỡng lão của chính phủ. Nhưng cuộc sống ở những nơi như thế không thể nào sánh được về mặt tâm lý hay tinh thần so với nếp sống trong đại gia đình ba thế hệ (ông bà – cha mẹ - con cái) cùng chung sống, cùng chia sẻ, mang tính nhân văn thực sự". Trẻ em sẽ học tập được những kinh nghiệm của ông bà và thấy được sự tiếp nối thiêng liêng giữa các thế hệ trong gia đình.
Nhưng cuộc sống thay đổi, dân cư ngày một đông đúc, đô thị chật hẹp, sự hối hả khiến người già thiếu đi sự quan tâm từ mọi người. Cần phải có một giải pháp khiến người già không bị gò bó trong đời sống chật chội nơi đô thị, thiếu tình người thay vì giữ khư khư quan niệm người già vào viện dưỡng lão là bất hạnh, con cháu không phụng dưỡng được là bất hiếu. Viện dưỡng lão nếu được sự quan tâm, đầu tư đúng đắn thì người gia sẽ có không gian sống phù hợp. Người thân cũng thoải mái hơn trong việc chăm sóc. Đây chính là một giải pháp để mang lại cuộc sống tốt tạm thời cho người già nơi thành thị.
>> Người lao động có thể tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu
Tại sao viện dưỡng lão tốt nhưng chỉ mang tính tạm thời? Bởi nó có thể giải quyết những hạn chế trước mắt của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, nhưng chỉ đảm bảo hỗ trợ vật chất và một cộng đồng khép kín. Cho dù xã hội chịu trách nhiệm chi trả mọi loại phí, cung cấp các hỗ trợ chăm sóc đặc biệt và coi đó là một sự tri ân đối với người già thì sự tri ân đó vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Tại sao vậy? Bởi vì cảm giác vui sống chỉ có khi con người còn ý thức mình đang tham gia vào xã hội. Cảm giác không bị đẩy ra khỏi xã hội, còn là người có vai trò quan trọng trong xã hội, tích cực tham gia vào xã hội, không ngừng sáng tạo giá trị vào đó có lẽ là cảm giác vui sống nhất của người già.
Gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính những viện dưỡng lão ở các nước phát triển nhất như Mỹ, Ý, Nhật Bản lại là nơi bị ảnh hưởng và tổn thương trầm trọng. Từ đó đặt ra câu hỏi vậy liệu rằng nhà dưỡng lão có thật sự là một nơi tốt dành cho người già hay chỉ là một giải pháp tốt tạm thời cho quá trình đô thị hóa?
Sức mạnh của người cao tuổi chủ yếu đến từ kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống và sức mạnh tinh thần. Tuổi già nhưng trí không già. Với lòng nhiệt thành, kiên nhẫn, tỉ mỉ họ vẫn có thể đóng góp công sức và là một thành phần không thể thiếu với xã hội. Nhận thức vai trò tầm quan trọng của người già, tạo cơ hội cho làm việc phù hợp với năng lực, sở trường của họ sẽ tạo luồng sinh khí mới giúp người già có được sự minh mẫn, lòng nhiệt tình, tiếp tục cống hiến và để lại những giá trị lâu bền cho xã hội. Con người chỉ già đi khi rời khỏi trách nhiệm xã hội, gia đình và lòng chùng xuống.
>> Nghỉ hưu sớm làm nhiều người già bị stress vì cảm giác thừa thãi
Người cao tuổi sức lực có giảm sút nhưng nếu sống thuận theo tự nhiên, hoàn toàn có thể tự lo cho bản thân mà không cần lệ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài, đóng góp cho cộng đồng, thậm chí sau đó hưởng được cái chết an lành. Y học hiện đại đã đạt được những thành công đáng kinh ngạc trong việc kéo dài sự sống thể xác nhưng không thành công bao nhiêu trong việc kéo dài đời sống tinh thần. Ngày nay có một vấn đề cực kỳ quan trọng phải giải quyết: đối với người lão suy, có nên nhờ y khoa can thiệp để kéo dài sự sống thể xác không? Hay nên để tự nhiên làm việc của mình?
Người cao tuổi là tài sản tinh thần vô giá của gia đình và xã hội. Phát huy những giá trị truyền thống quý báu của gia đình, dân tộc để người cao tuổi vui sống và khỏe mạnh nhất. Trong thời đại mới, giải quyết phúc lợi cho người lão niên rõ ràng không thể chỉ có phương diện vật chất, mà còn cả phương diện tinh thần, có tình người. Vì vậy, xã hội phải mang lại càng nhiều cơ hội càng tốt, để người cao tuổi mở ra con đường cho chính mình và trao truyền lại những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ tiếp theo.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Phan Huy Nhân