Vợ chồng tôi có hai con. Từ nhỏ tới lớn, các con đều gần gũi mẹ, thủ thỉ tâm tình với mẹ như bạn thân.
Khi con còn nhỏ, tôi thường bắt con tham gia các hoạt động cùng mẹ như làm việc nhà, đọc sách, tập thể dục... Có những lúc con thích nhưng cũng có khi không. Mùa hè, tôi cho con về quê đi gặt, nhìn mặt con đỏ gay, mồ hôi ướt đầm, tôi xót con nhưng nghĩ tới tuổi thơ vất vả của mình, tôi thấy các con còn sung sướng hơn mẹ chúng gấp bội. Tôi cho rằng, sự vất vả sẽ trui rèn các con nên người.
Khi con vào Đại học, chúng tôi có tính chuyện mua nhà chung cư cho con ở nhưng cuối cùng lại quyết định không mua. Tiền định mua chung cư, tôi đem gửi ngân hàng. Tiền lãi một năm, sau khi chi cho con thuê nhà vẫn dư hơn một nửa.
Con ở ký túc xá trong hai năm đầu. Đến năm thứ ba, để tiện cho con đi làm thêm, và vì đứa em cũng học năm thứ nhất, nên con tìm thuê một căn hộ nhỏ để tiện cho hai anh em ở cùng. Tôi dự tính, sau khi con đi làm, tôi vẫn chưa mua nhà cho con. Tôi muốn con tự kiếm tiền để mua nhà cho mình. Bố mẹ sẽ hỗ trợ khi con cần. Tôi chỉ muốn con sống có mục tiêu và chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.
>> Ông bà không có nghĩa vụ phải chăm cháu
Tôi dự kiến sau này mình sẽ không ở chung nhà với con (chỉ ở gần) và cũng không đi bế cháu cả năm trời như bao người ông, người bà khác. Như vậy, các con được tự do. Con dâu tôi cũng thấy thoải mái. Và buổi tối hay ngày nghỉ, thay vì để con chơi với ông bà, vợ chồng trẻ phải chơi với con, chia sẻ việc nhà cùng nhau.
Tôi chỉ hỗ trợ, chăm sóc con cháu ở thời điểm sau khi sinh và một số lần con bí người trông cháu. Tôi sẽ cho các con tiền để thuê người giúp việc. Vì tôi tự nhủ, mình đã nuôi con vất vả mấy chục năm, đến khi chúng làm cha mẹ thì chúng phải tự chăm lo cho cuộc sống của mình.
Hơn nữa, tôi không thể nghỉ việc dài dài để đi chăm cháu (tôi còn phải công tác 15 năm nữa mới được nghỉ hưu). Mặt khác, tôi không muốn để chồng ở lại coi nhà, lọ mọ cơm nước một mình. Ông bà già chúng tôi phải ở cùng nhau, còn chăm vườn cây, sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi, rồi dưỡng sinh, đi du lịch...
Có người sẽ nói, vậy lúc đau ốm con không chăm sóc thì đừng trách. Chúng tôi đã lường trước việc này.
Thứ nhất, nuôi dạy con làm người tử tế, có trách nhiệm. Thứ hai, nuôi con ăn học, có thể tự nuôi sống mình. Thứ ba, chúng tôi đã hỗ trợ con mua nhà. Thứ tư, cho con tiền thuê người giúp việc khi không thể trực tiếp trông cháu. Thứ năm, khi sức khỏe yếu không thể tự chăm sóc, chúng tôi sẽ vào Viện dưỡng lão, thỉnh thoảng các con vào thăm. Thứ sáu, chúng tôi giữ một thứ quyền lực mạnh trong tay: Tiền.
Cha mẹ sinh con vì cha mẹ muốn (hoặc lỡ), điều đó nằm ngoài mong muốn của các con. Do vậy, thật ích kỷ khi chúng ta đặt lên vai con mình những trách nhiệm nặng nề: ép con phải học giỏi, có giải thưởng này kia để thỏa mãn tính háo danh của cha mẹ; bắt con sống như cha mẹ muốn, làm công việc mà cha mẹ cho là tốt, kết hôn với người mà cha mẹ ưng...
>> Trẻ nuôi con, già trông cháu - nỗi khổ của nhiều người già
Tôi nghĩ, sau khi con cứng cáp, có thể tự kiếm sống thì cha mẹ nên tôn trọng cuộc sống tự do của con. Hãy để con có nhiều quyền làm chủ hơn, động viên, khích lệ để con thêm tự tin, không bị cô độc; là "hậu phương" cho con về tinh thần và vật chất.
Quan điểm của tôi có thể bị nhiều người phản đối. Song vợ chồng tôi vẫn kiên định. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt trong giải phóng phụ nữ. Thế hệ trước đã cơ cực biết bao. Các bà các mẹ khổ vì cuộc sống làm dâu, nuôi dạy con cái, chăm sóc bố mẹ chồng, rồi lại chăm cháu...
Họ chẳng được nghỉ, chẳng được sung sướng ngày nào. Thậm chí, nhiều phụ nữ nông thôn còn chưa từng được ra khỏi lũy tre làng, chưa biết Hà Nội, không biết sóng biển Sầm Sơn mạnh ra sao... Vì vậy, hãy từng bước "cởi trói" cho phụ nữ.
Tôi đã và đang làm một người mẹ khắc nghiệt để giải phóng chính mình. Tôi ích kỷ chăng?
Thùy Miên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.