Sự hy sinh của cha mẹ cho con cái là rất cao cả và đáng trân trọng. Nhưng trên thực tế, tôi thấy có nhiều bậc cha mẹ "phung phí" và nhầm lẫn hy sinh với chiều chuộng. Một số còn ngộ nhận giành lấy hết phần thiệt thòi về mình và đẩy hết phần ngon về cho con cái, rồi gọi đó là hy sinh. Nhưng rất có thể, họ đang dạy hư con từ bé.
Như gia đình tôi trước đây, mặc dù không đến mức nghèo khó lắm, nhưng có của ngon, vật lạ gì thì cũng nhường hết cho con cái rồi nhận lấy cái dở, cái tệ về cho bản thân. Đứa em trai tôi cũng đã bị dạy hư từ việc này. Là em út trong gia đình, nên nghiễm nhiên được cha mẹ nhường phần ngon nhất và kéo theo đó là anh chị cũng phải nhường em.
Những bữa cơm, đứa em tôi luôn được nhường phần thịt heo, trong khi tôi và chị ăn cá, cha mẹ thì ăn rau chấm mắm hoặc ăn cá chung với chúng tôi. Mâm cỗ lễ Tết cũng vậy, nếu có thêm thịt gà thì mẹ tôi ưu ái cho em trai út phần đùi, ức gà đầy thịt. Còn lại cho tôi và chị cả. Xương xẩu, giò già, cánh già, cổ gà thì phần ông bà.
Rất nhiều lần tôi đã phản đối và đề nghị tại sao không chia thịt hay của ngon, trái cây hiếm thành những phần đều nhau và cả gia đình cùng nhau thưởng thức? Tôi thấy lấy lý do tuổi tác, vai vế để phân định miếng ăn là câu chuyện không ổn. Trên thực tế, em trai tôi vẫn có thể ăn được cá nếu như mẹ không quá nuông chiều, luôn để dành phần thịt heo. Cũng như nếu chia con gà thành những phần bằng nhau thì mọi người trong gia đình đều có thể thưởng thức được miếng ngon.
Chính sự nhường nhịn có phần nuông chiều và lầm tưởng sang đức hy sinh đó đã khiến em trai tôi khi lớn lên luôn có sẵn sự đòi hỏi vô lý. Nếu không đáp ứng nổi, mẹ tôi đâm ra thấy có lỗi, khóc lóc và nhờ viện anh chị hãy giúp đỡ em trai.
Ở phía con cái, nhiều người ắt hẳn cũng sẽ muốn hy sinh, nhường của ngon cho cha mẹ ăn ngay từ lúc mình còn nhỏ. Bởi tình yêu thương máu rủ là rất thiêng liêng, đừng nghĩ con còn nhỏ thì không biết chuyện, không nghĩ đến chuyện cùng ăn bữa cơm ngon, của lạ với cha mẹ mình.
Sự hy sinh trong gia đình không phải là đặc quyền của cha mẹ. Và hơn hết, nếu hy sinh mù quáng rất có thể làm hư, làm xấu con. Cách đây đã lâu, có câu chuyện bà mẹ già đi mượn tiền mua xe cho con trai. Tôi nghĩ đây là ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này. Rất có thể bà mẹ vì quá thương con nên đâm ra ngộ nhận mình cần hy sinh thể diện, tiền bạc... cho con của mình.
Rộng hơn, vì sao vẫn có nhiều cha mẹ lâm vào cảnh không nhà, không tài sản sau khi chia hết cho các con? Tôi nghĩ ít nhiều cũng do lối quan niệm hy sinh nhầm chỗ này mà ra. Hy sinh từ lúc con nhỏ cho đến lúc con lớn. Lúc là miếng thịt ngon, miếng cá không xương thì giờ là căn nhà và sổ đỏ. Hiếm cha mẹ nào ý thức tự giành lấy cho mình một quyền lợi để rồi khi bị đối xử tệ, cái câu "nước mắt chảy ngược" lại được dịp nói ra.
Chốt lại vấn đề, tôi nghĩ là thương con thì cha mẹ nào chẳng thương. Nhưng cần lý trí và tỉnh táo. Cần phân biệt được hy sinh và chiều chuộng để dùng cho đúng. Các bậc cha mẹ cũng có cuộc đời, cần được ăn ngon, hưởng thụ song song với con cái.
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.