Collagen là một loại protein, chiếm 70% cấu trúc da, phân bổ chủ yếu ở lớp hạ bì của da. Dưỡng chất có vai trò quan trọng với sức khỏe, làn da, mạch máu, xương khớp, mắt, theo Healthline.
Cải thiện sức khỏe làn da
Collagen là một thành phần chính của làn da. Dưỡng chất đóng một vai trò trong việc củng cố làn da, độ đàn hồi và hydrat hóa. Khi già đi, cơ thể sản xuất ít collagen hơn, dẫn đến da khô, hình thành các nếp nhăn.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng collagen peptide hoặc chất bổ sung có chứa collagen có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa da bằng cách giảm nếp nhăn và khô da. Một đánh giá của 11 nghiên cứu tập trung chủ yếu vào phụ nữ cho thấy rằng uống 3-10 gam collagen mỗi ngày trong trung bình 69 ngày giúp cải thiện độ đàn hồi, hydrat hóa của da.
Những chất bổ sung này có thể hoạt động bằng cách kích thích cơ thể tự sản xuất collagen. Ngoài ra, các chất bổ sung collagen có thể thúc đẩy sản xuất các protein khác trong tế bào da, bao gồm elastin và fibrillin.
Giảm đau khớp
Collagen giúp duy trì tính toàn vẹn của sụn, mô, giúp bảo vệ khớp. Khi lượng collagen trong cơ thể giảm dần theo tuổi tác, nguy cơ mắc các chứng rối loạn thoái hóa khớp như viêm xương khớp sẽ tăng lên .
Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung collagen có thể giúp cải thiện các triệu chứng của viêm xương khớp, giảm đau khớp tổng thể. Một đánh giá về năm nghiên cứu ở hơn 500 người bị viêm xương khớp cho thấy, uống khoảng 10 gam collagen mỗi ngày trong trung bình 24 tuần giúp cải thiện đáng kể về độ cứng khớp, chứng đau khớp.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, collagen bổ sung có thể tích tụ trong sụn, kích thích các mô tạo ra collagen. Đổi lại, điều này có thể dẫn đến giảm viêm, hỗ trợ khớp tốt hơn, giảm đau.
Ngăn ngừa mất xương
Giống như collagen trong cơ thể suy giảm theo tuổi tác, khối lượng xương cũng vậy. Điều này có thể dẫn đến các tình trạng như loãng xương, mật độ xương thấp và nguy cơ gãy xương cao hơn.
Các nghiên cứu lưu ý rằng bổ sung collagen có thể giúp ức chế sự phân hủy xương dẫn đến loãng xương. Trong một nghiên cứu kéo dài 12 tháng, phụ nữ uống bổ sung canxi, 5 gam collagen hoặc bổ sung canxi và không bổ sung collagen hàng ngày.
Vào cuối nghiên cứu, những người bổ sung canxi và collagen có nồng độ protein thúc đẩy quá trình phân hủy xương trong máu thấp hơn đáng kể so với những người chỉ bổ sung canxi. Một nghiên cứu khác cho thấy kết quả tương tự ở 66 phụ nữ uống 5 gam collagen mỗi ngày trong 12 tháng. Những người uống collagen đã tăng mật độ khoáng xương (BMD) lên đến 7% so với những người không uống collagen. BMD là thước đo mật độ khoáng chất, chẳng hạn như canxi trong xương. BMD thấp có liên quan đến xương yếu, nguy cơ loãng xương.
Tăng cường khối lượng cơ
Collagen là một loại protein dồi dào trong cơ thể, là một thành phần quan trọng của cơ xương. Các nghiên cứu cho thấy chất bổ sung collagen giúp tăng cường khối lượng cơ ở những người bị chứng suy giảm cơ bắp, tình trạng mất khối lượng cơ xảy ra theo tuổi tác.
Trong một nghiên cứu kéo dài 12 tuần, 27 người đàn ông mắc chứng này uống 15 gam collagen trong khi tham gia chương trình tập thể dục hàng ngày. So với những người đàn ông tập thể dục nhưng không bổ sung collagen, họ có được khối lượng cơ, sức mạnh.
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng, collagen có thể thúc đẩy sự tổng hợp các protein cơ như creatine, cũng như kích thích sự phát triển của cơ bắp sau khi tập thể dục.
Thúc đẩy sức khỏe tim mạch
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng bổ sung collagen có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim. Nếu không có đủ collagen, các động mạch có thể trở nên kém linh hoạt và đàn hồi. Điều này có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, một căn bệnh đặc trưng bởi sự thu hẹp các động mạch. Tình trạng này có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Trong một nghiên cứu kéo dài 6 tháng, 31 người trưởng thành khỏe mạnh đã bổ sung 16 gam collagen mỗi ngày. Họ đã giảm đáng kể số đo độ cứng của động mạch từ khi bắt đầu đến khi kết thúc nghiên cứu. Ngoài ra, mức cholesterol HDL (tốt) của họ tăng trung bình 6%.
Lê Nguyễn