Trả lời:
Tái tạo vú trì hoãn bằng vạt da cơ thẳng bụng (vạt TRAM) là phương pháp tái tạo vú phổ biến. Bác sĩ sử dụng chính mô của cơ thể của bệnh nhân gồm mô da ở bụng dưới, mỡ và cơ thẳng bụng để tái tạo, giúp ngực mềm mại, tự nhiên. Phương pháp này còn giúp bụng của người bệnh phẳng hơn nhờ lấy đi cả phần mỡ dư thừa và khâu tạo hình thành bụng kết hợp.
Sau khi điều trị khỏi ung thư vú, phụ nữ vẫn còn thể mang thai và sinh con, nếu còn trong độ tuổi sinh đẻ. Nhiều người lo ngại việc lấy một bên cơ bụng để tạo hình vú khiến thành bụng yếu, gây khó khăn khi rặn sinh ngả âm đạo. Tuy nhiên, y văn thế giới cho thấy nhiều trường hợp sau khi tái tạo vú bằng vạt da cơ bụng vẫn có thể sinh con ngả âm đạo, thậm chí có trường hợp mang song thai và sinh ngả âm đạo thành công. Người bệnh nên trì hoãn việc mang thai ít nhất 12 tháng sau phẫu thuật tạo vạt để thành bụng phục hồi tốt nhất.
Những người được chỉ định tái tạo vú bằng vạt TRAM phải đáp ứng ba điều kiện gồm đủ sức khỏe để chịu được cuộc mổ kéo dài khoảng 3-4 tiếng, thời gian nằm viện 3-5 ngày và dưỡng bệnh 4-8 tuần trước khi trở lại các hoạt động thường ngày; có phần mô ở bụng dưới dày, đủ để tạo bầu vú bằng với vú đối bên; không có sẹo lớn ở vùng bụng trên vì có thể ảnh hưởng đến cuống mạch máu nuôi vạt.
Người bệnh lớn tuổi, mắc bệnh nội khoa nặng, bị rối loạn tâm thần, hợp tác kém, béo phì, quá ốm không đủ mô để tái tạo vú hay người có khuynh hướng hoạt động thể lực nhiều... không nên tái tạo bằng vạt TRAM cuống.
Có hai phương pháp tái tạo vú bằng vạt da cơ thẳng bụng gồm vạt TRAM cuống và vạt TRAM tự do. Với vạt TRAM cuống, bác sĩ cắt bỏ sẹo mổ cũ, bóc tách vạt da ở thành ngực. Sau đó, bác sĩ dùng phần mô da và mỡ dưới da ở vùng bụng dưới rốn, đưa lên ngực nhờ cơ thẳng bụng mang cuống mạch máu thông qua một đường hầm ở bụng trên để tạo lại bầu ngực.
Vạt TRAM tự do là phương pháp cắt rời mô da, mỡ ở bụng dưới kèm cuống mạch máu đem lên nối với mạch máu ở ngực để tái tạo lại vú. Việc nối mạch máu phải được thực hiện dưới sự phóng đại của kính lúp.
Thành bụng có thể bị yếu sau phẫu thuật. Một số trường hợp có thể gây thoát vị thành bụng, tức là các tạng trong ổ bụng thoát ra nằm dưới da qua chỗ mất cân thành bụng. Trong phẫu thuật này, phần mỡ ở bụng được đưa lên tái tạo bầu vú bị thiếu máu nuôi gây hoại tử mỡ, biểu hiện bằng những nốt cứng giống như tái phát khiến bệnh nhân lo lắng. Mô mỡ trong vú tái tạo bị tiêu đi một phần làm cho vú tái tạo bị giảm kích thước so với lúc mới tái tạo. Do đó, bác sĩ phẫu thuật có thể tái tạo vú to hơn vú đối bên để trừ hao.
Sau tái tạo vú bằng vạt TRAM, người bệnh phải tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ khoa Ngoại vú, để kiểm tra tình trạng vết mổ, điều trị nếu có bất thường.
Thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn
Khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM