Những ngày lễ, Tết không thể thiếu rượu, bia chúc mừng. Rượu bia với nồng độ cồn vừa phải và uống với lượng cho phép có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khoẻ như: kích thích ăn uống, tốt cho tim mạch... Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, uống nhiều rượu bia trong ngày và kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể, trong đó có những tác hại nghiêm trọng.
Thông thường, lảo đảo, chóng mặt, buồn nôn, nói lắp, mất kiểm soát... là các triệu chứng dễ thấy ở những người hay uống rượu, bia. Bác sĩ Tùng giải thích, khi vừa uống một ly rượu, bia thì chất cồn sẽ tiếp xúc với miệng và cổ họng trước, có thể gây tổn thương niêm mạc miệng, gây kích ứng, về lâu dài có thể gây ra ung thư vòm họng, ung thư lưỡi.
Sau đó rượu bia vào đến dạ dày, nếu uống một lượng nhỏ sẽ kích thích sự thèm ăn vì nó làm tăng lưu lượng dịch dạ dày. Tuy nhiên, nếu uống nhiều và nồng độ cồn cao thì khi phối hợp với dịch vị sẽ dễ gây ra viêm loét dạ dày, gây giảm hấp thu vitamin B1. Cồn trong bia khiến axit dạ dày tiết ra nhiều hơn và có thể làm tăng khả năng bạn bị ợ chua hoặc trào ngược dạ dày thực quản.
Tiếp theo rượu, bia sẽ đến ruột non và được hấp thu trực tiếp vào máu, chuyển hóa đến các cơ quan ngoại biên, gây ra tình trạng đỏ và nóng toàn thân. Nếu tiếp tục uống nhiều hơn, cơ thể sẽ có cảm giác lạnh, chóng mặt, choáng váng. Chất cồn khi vào máu có thể gây ra phản ứng dị ứng mề đay, đỏ, ngứa mắt, thậm chí khó thở.
Dễ nhận thấy là sau khi uống một ly rượu, bia cơ thể thường có dấu hiệu đỏ bừng, ngứa và phát ban. Chất cồn cũng làm mở rộng các mạch máu, nhiệt độ cơ thể giảm nhanh, dễ dẫn đến tăng huyết áp. Thời gian huyết áp tăng kéo dài làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm: tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.
Khi chất cồn đến não, hệ thần kinh trung ương, với nồng độ thấp có tác dụng an thần, làm giảm lo âu. Tuy nhiên ở nồng độ cao, rượu bia sẽ gây rối loạn tâm thần, mất thăng bằng, nói lắp, phản ứng chậm, không tự chủ hành động, khó ngủ, đau đầu. Khi nồng độ rượu, bia trong máu quá cao, có thể dẫn đến hôn mê, ức chế hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.
Tại tim, chất cồn sẽ làm tăng hoạt động tim, tăng huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương. Rượu, bia có thể khiến nhịp tim đập nhanh hơn bình thường khoảng 15 nhịp mỗi phút. Tim tăng hoạt động co bóp, lâu dài sẽ làm giảm chức năng co bóp, dễ dẫn đến các bệnh giãn nở tim và suy tim.
Khi rượu, bia đến thận sẽ làm rối loạn điện giải, gây tăng huyết áp. Khi rượu bia đến tuyến tụy sẽ gây rối loạn các enzym tụy hoặc rối loạn nội tiết tuyến tụy, tăng nguy cơ viêm tụy cấp do rượu và mắc bệnh đái tháo đường.
Cuối cùng, rượu bia sẽ đến gan. Gan có nhiệm vụ loại bỏ độc tố rượu ra bên ngoài. Tuy nhiên chức năng gan có giới hạn, nếu uống quá nhiều rượu bia sẽ có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ, nặng hơn là viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Bác sĩ Tùng cho biết thêm, theo nghiên cứu ở người trưởng thành, mỗi ngày gan chỉ có thể chuyển hoá 2 lon bia. Do đó, nếu bạn uống rượu bia nhiều hơn thì dễ đối mặt với các nguy cơ cho sức khỏe của gan.
Thảo Dương