Vùng da nách dễ bị tăng sắc tố, thâm sạm, sần sùi. Nguyên nhân có thể do chà xát, cạo nhổ, wax lông, dùng lăn khử mùi, viêm nhiễm, thay đổi nội tiết khi mang thai, yếu tố di truyền, bệnh Addison, bệnh gai đen, tình trạng kháng insulin...
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bên cạnh điều trị nguyên nhân, có nhiều phương pháp cải thiện tình trạng này như thoa hoạt chất sáng da, điện di, laser, peel da... Trong đó, phổ biến là peel da vùng nách, một thủ thuật thẩm mỹ nội khoa, không xâm lấn.
Peel nách sử dụng các chất hóa học (AHA, BHA, TCA...) với các nồng độ khác nhau để làm đứt gãy liên kết giữa các tế bào sừng. Sản phẩm peel có thể kết hợp thêm các thành phần có hoạt tính kháng viêm, trắng sáng, chống oxy hóa... để tăng hiệu quả.
Peel da vùng nách có tác dụng tẩy lớp da bị hư tổn bên ngoài cùng, giảm sừng hóa nang lông, thúc đẩy quá trình thay da và tái tạo da mới, tăng sản sinh collagen tự nhiên trong cơ thể và giúp da dễ hấp thu dưỡng chất hơn. Sau 3-5 lần điều trị, mỗi lần 30-45 phút, vùng da dưới cánh tay mịn, sáng và đều màu hơn. Khoảng cách giữa các lần peel tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại hoạt chất và mức độ peel, tình trạng da dưới cánh tay và thời gian phục hồi sau điều trị.
Liệu trình peel da nên được thực hiện ở cơ sở y tế uy tín và có chỉ định, theo dõi từ bác sĩ chuyên khoa. Theo bác sĩ Dung, peel nách tại nhà không an toàn. Đây là vùng da nhạy cảm, ẩm ướt, hay tăng tiết mồ hôi nên rất dễ kích ứng, dị ứng hoặc viêm nhiễm. Hơn nữa mỗi loại da và từng tình trạng phù hợp với nồng độ, hoạt chất khác nhau.
Bác sĩ Dung lưu ý peel nách sai cách có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Thường gặp nhất là đỏ da kéo dài, kích ứng, dị ứng, nổi hồng ban, mụn nước, ngứa rát. Người bệnh dễ bị tăng sắc tố sau viêm, da sạm đen và khó điều trị hơn. Nếu peel quá sâu với hoạt chất có nồng độ cao và số lần quá gần sẽ tạo sẹo hoặc mất sắc tố da. Nặng hơn có thể nhiễm khuẩn, nhất là khởi phát tình trạng viêm tuyến mồ hôi nung mủ, nhiễm nấm da, tổn thương tim, thận hoặc gan.
Trường hợp không nên peel da vùng nách là phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, vùng da peel có vết thương hở, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm cấp tính, nhiễm siêu vi. Người mắc bệnh ngoài da mạn tính như viêm da cơ địa, vảy nến, da nhạy cảm ánh sáng, người có tiền sử sẹo lồi, sẹo xấu hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào trong dung dịch peel.
Anh Thư