Peel da là phương pháp sử dụng các chất hóa học để phá hủy các tế bào ngoài cùng của da, giúp loại bỏ tế bào chết, vi khuẩn, bụi bẩn nằm sâu trong lỗ chân lông. Sau đó, lớp da này được tái tạo từ các tế bào mới khỏe mạnh hơn.
ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết những hoạt chất thường được sử dụng để peel da là salicylic axit (BHA), glycolic axit (AHA), trichloroacetic axit (TCA)... Peel da mang đến nhiều lợi ích nếu được thực hiện đúng cách.
Điều trị mụn: Thành phần axit trong hóa chất tái tạo da can thiệp sâu vào các ổ vi khuẩn gây mụn, các vùng chứa nhiều da chết, dầu thừa. Từ đó chúng hỗ trợ làm sạch sâu những tuyến nang lông bị tắc nghẽn, nhanh chóng làm khô cồi mụn và đẩy mụn lên khỏi bề mặt da nhẹ nhàng. Phương pháp này còn giúp ngăn ngừa mụn xuất hiện.
Cải thiện lão hóa: Dấu hiệu lão hóa da bắt đầu xuất hiện từ 25 tuổi và tăng nhanh hơn trong những năm tiếp theo. Peel da thúc đẩy tăng sinh collagen, tăng tốc độ tái tạo tế bào để da được "thay áo mới", giúp trẻ hóa, giảm nhăn.
Giảm sắc tố trên da: Peel da sâu bằng các hoạt chất chứa các axit có nồng độ ở ngưỡng cho phép, thường được dùng để trị thâm sạm, nám, tàn nhang. Các hoạt chất tác động trực tiếp lên bề mặt của da rồi đi xuống trung bì đến những vùng da cần điều trị, làm bong tróc một phần nám, mờ sẹo, vết thâm do mụn ở bề mặt da.
Phương pháp peel da trị nám này sử dụng axit ở mức trung bình đến cao, có thể gây các tác dụng phụ như bỏng da, dị ứng, sưng đau... Bác sĩ Thư khuyến cáo người muốn peel da cần đến cơ sở y tế chuyên khoa, được bác sĩ da liễu, thẩm mỹ da thực hiện.
Làm sáng da: Vì tác dụng loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa, sợi bã nhờn trên da rất tốt nên peel giúp làn da sạch sâu đáng kể. Da hấp thu dưỡng chất tốt hơn, sáng màu, hồng hào.
Se khít lỗ chân lông, kiểm soát dầu nhờn: Các mảnh tế bào chết tồn tại lâu trên da gây bít lỗ chân lông, lâu dần khiến lỗ chân lông to, da sần sùi, không láng mịn. Peel da loại bỏ các chất thừa này, để da hấp thu dưỡng chất tốt hơn, se khít lỗ chân lông. Độ pH da cũng được cân bằng, điều chỉnh lượng dầu nhờn tiết ra vừa phải, giảm bóng nhờn.
Tuy nhiên, bác sĩ Thư lưu ý không phải làn da nào cũng có thể peel được. Phương pháp này tùy vào tình trạng, tính chất của da và chỉ bác sĩ mới có thể chỉ định nên peel da hay phải sử dụng các phương pháp khác.
Nếu peel tại nhà không đúng cách hay chọn hóa chất không phù hợp có thể khiến tình trạng da tệ hơn. Peel nông da có thể gây bỏng rát, nổi ban đỏ, ngứa, khó chịu. Peel mức độ trung bình và sâu có thể dẫn đến nhiễm nấm, làm bùng phát virus herpes ở da, viêm da tiếp xúc kích ứng, nhiễm khuẩn và để lại sẹo.
Làn da sau lột bằng hóa chất rất nhạy cảm và mỏng manh. Sau peel da, bạn nên thoa kem chống nắng mỗi ngày ít nhất 30 phút trước khi ra ngoài. Nếu không che chắn và bảo vệ da cẩn thận, tình trạng tăng sắc tố hay sạm nám nặng hơn có thể xảy ra.
Thư Anh