Tôi chưa kết hôn, có nên trữ trứng trước khi điều trị không, quy trình như thế nào? (Thu Vân, TP HCM)
Trả lời:
Hóa trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến buồng trứng, dẫn đến ngừng giải phóng noãn và estrogen, giảm số lượng trứng khỏe mạnh trong buồng trứng. Đây là hiện tượng suy buồng trứng nguyên phát, với biểu hiện bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, khó chịu, khô âm đạo và kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh.
Nhiều phụ nữ sau khi điều trị hóa chất gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt, mãn kinh sớm, rất ít người còn khả năng mang thai tự nhiên. Hóa trị cũng có thể tác động lên bộ gene gây bất thường chất lượng trứng, ngay cả ở phụ nữ trẻ.
Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) năm 2020, có hơn 2,2 triệu người được chẩn đoán ung thư vú và khoảng 680.000 người tử vong vì căn bệnh này. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, ung thư vú chiếm tỷ lệ 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới với hơn 9.300 ca tử vong mỗi năm.
Ung thư vú có thể chữa trị khỏi và phụ nữ vẫn có khả năng sinh con khỏe mạnh nếu phát hiện và điều trị sớm có bảo tồn chức năng sinh sản. Do đó, nhiều năm qua, kỹ thuật trữ trứng bảo tồn sinh sản đã được ứng dụng thường quy cho nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ độc thân hoặc chưa có đủ con trước khi điều trị ung thư.
Nếu bạn có dự định kết hôn và sinh con trong tương lai thì trữ trứng trước khi điều trị là điều cần thiết giúp bạn có thể làm mẹ.
Khi thực hiện kỹ thuật này, bạn được kích thích buồng trứng với phác đồ phù hợp. Bác sĩ thực hiện chọc hút trứng, chọn những trứng trưởng thành, chất lượng tốt để đông lạnh trong môi trường chuyên biệt âm 196 độ C. Lúc này trứng được bảo toàn chất lượng tốt nhất không giới hạn thời gian.
Bạn trữ trứng ở độ tuổi 32, sau đó điều trị ung thư vú khỏi bệnh được điều trị tái tạo vú. Khi có mong muốn có con, bạn có thể rã đông trứng và tiến hành thụ tinh ống nghiệm.
Trong năm 2022, tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, các bác sĩ tiếp nhận trữ trứng bảo tồn chức năng sinh sản cho nhiều phụ nữ mắc ung thư ở độ tuổi 20-35. Nhiều cặp vợ chồng chưa có con nhưng vợ hoặc chồng phát hiện mắc ung thư cũng được trữ phôi thành công.
Những phụ nữ có người thân mắc ung thư vú (mẹ, chị gái, em gái), có tiền sử chiếu xạ vùng ngực, hành kinh sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi); người trước đó từng mắc bệnh ung thư (buồng trứng, cổ tử cung, nội mạc tử cung...); phụ nữ béo phì, hút thuốc lá... nên khám tầm soát ung thư vú 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh nếu có và điều trị sớm.
BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo
Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc về bệnh hiếm muộn gửi câu hỏi tại đây |