Trả lời:
Màng nhĩ là lớp màng mỏng ngăn cách tai ngoài và tai giữa giúp dẫn truyền âm thanh. Lớp màng mỏng này có thể bị thủng hoặc rách do nhiều nguyên nhân khác nhau như dị vật, chấn thương vật lý, chấn thương áp suất, âm thanh...
Trong một số trường hợp thủng màng nhĩ không cần điều trị hoặc chỉ điều trị nội khoa. Một số người bệnh phải phẫu thuật vá màng nhĩ để ngăn ngừa các biến chứng như mất thính lực hoàn toàn (điếc sâu), viêm tai giữa thủng nhĩ mạn tính và tái phát nhiều lần, viêm tai xương chũm nguy cơ gây liệt mặt, phá hủy các cấu trúc xương con trong tai.
Phẫu thuật vá màng nhĩ phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tai giữa, giúp người bệnh cải thiện tình trạng nghe kém. Kết quả phẫu thuật tùy thuộc vào kích thước, vị trí lỗ thủng, sức nghe, thời gian mắc bệnh, mức độ lan rộng của nhiễm trùng... Tuy nhiên, phẫu thuật này được chứng minh có tỷ lệ thành công 80-90%.
Phẫu thuật vá màng nhĩ được chỉ định trong các trường hợp như vết thủng trên màng nhĩ không lành lại theo thời gian, lỗ thủng trên màng nhĩ gây nhiễm trùng tai và ứ dịch trong tai giữa khiến người bệnh suy giảm thính lực. Phẫu thuật vá màng nhĩ chống chỉ định đối với người bệnh viêm tai xương chũm nặng, có hiện tượng hủy xương trong tai nghi ngờ do bệnh lý cholesteatoma.
Bạn bị nhiễm trùng tai cần điều trị ổn định nhiễm trùng, sau đó mới nên phẫu thuật vá nhĩ. Tuy nhiên, bạn cần khám, nội soi tai mũi họng để bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ thủng và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Thời gian phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ khoảng 60-90 phút. Sau phẫu thuật, các triệu chứng như đau nhói ở tai, cảm giác đầy tai, tai chứa dịch, ù tai, nghe thấy một vài âm thanh lạ trong tai... có thể xảy ra. Nhưng chúng thường nhẹ và hết dần sau khoảng một tuần.
Trong 3-4 tuần chờ màng nhĩ lành hẳn, người bệnh cần tránh xì mũi, không đi máy bay, tránh nước vô tai, kiêng đi bơi, giữ tai khô ráo, nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
Sau phẫu thuật, người bệnh ăn theo chế độ bình thường, tránh các thức ăn gây dị ứng. Vết thương cần được sát trùng, thay băng tai mỗi ngày theo hướng dẫn của nhân viên y tế, sau một tuần có thể cắt chỉ khi tái khám sau mổ. Uống thuốc theo toa, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Tránh khu vực có tiếng động quá lớn. Hạn chế nằm nghiêng đè lên tai mổ.
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |