Trả lời:
Cuốn mũi là những xương có hình dạng cong dài, hẹp nhô vào khoang mũi, được bao phủ bởi niêm mạc mũi, có chức năng làm ẩm, ấm, lọc không khí khi thở, miễn dịch. Mỗi khoang mũi có ba cuốn mũi gồm cuốn trên, cuốn giữa, cuốn dưới.
Nguyên nhân phì đại (quá phát) cuốn mũi chủ yếu là do phản ứng viêm kéo dài ở niêm mạc cuốn mũi dưới. Bệnh thường liên quan tới các yếu tố như dị ứng, viêm xoang, lạnh, khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, vẹo vách ngăn.
Phì đại cuốn mũi là bệnh lành tính. Tuy nhiên, bệnh kéo dài không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng như nghẹt mũi, viêm xoang, ngủ ngáy, đau đầu dai dẳng, viêm dây thần kinh mặt, ngưng thở khi ngủ.
Anh nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán tình trạng cụ thể và tư vấn phù hợp. Một số phương pháp điều trị phì đại cuốn mũi, bao gồm điều trị nội khoa bằng nước muối xịt rửa mũi, thuốc kháng histamin, kháng viêm, liệu pháp miễn dịch dị ứng.
Trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là giảm kích thước cuốn mũi để cải thiện luồng thông khí qua mũi trong khi vẫn bảo tồn chức năng cuốn mũi. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ trầm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các loại phẫu thuật như cắt bỏ toàn bộ xương cuốn dưới, cắt một phần niêm mạc mặt ngoài cuốn mũi dưới, đốt điện niêm mạc cuốn mũi.
Người bị rối loạn đông cầm máu, có tiền sử bệnh tim mạch, bệnh nội khoa khác chưa kiểm soát ổn định hoặc đang có đợt nhiễm trùng mũi họng cấp tính không được phẫu thuật.
Hiện, phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi dưới được thực hiện bằng nội soi nên ít gây tổn thương mô lành. Bệnh nhân được rút ngắn thời gian phẫu thuật, ít chảy máu, không để lại sẹo và đảm bảo thẩm mỹ. Trong một số trường hợp bác sĩ kết hợp phẫu thuật tạo hình vách ngăn để giải quyết tối ưu tình trạng nghẹt mũi.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, đau vùng mũi mặt. Một số lưu ý khi chăm sóc sau phẫu thuật như xịt rửa mũi nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý 4-6 lần mỗi ngày, giữ mũi và vết mổ khô sạch, uống thuốc theo toa, tái khám theo lịch hẹn.
Người bệnh nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và có thể đi làm trở lại sau 3-4 ngày. Tránh các quạt máy, điều hòa thẳng vào mũi, môi trường khói bụi. Không bơi lặn, tránh va chạm chấn thương vùng mũi mặt hay vận động nặng, quá sức trong vòng một tháng sau phẫu thuật.
Quá phát cuốn mũi dưới mặc dù không gây nguy hiểm nhưng hệ lụy do bệnh kéo dài có thể khó kiểm soát, khó điều trị và tốn kém chi phí.
Các triệu chứng của quá phát cuốn mũi cũng khó phát hiện nếu người bệnh không đến bác sĩ khám. Người có các triệu chứng về mũi xoang, nhất là nghẹt mũi kéo dài quá ba tuần không bớt, nên đến chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ khám, tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
ThS.BS.CKI Phạm Thị Phương
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |