Trả lời
Có khoảng 10% phụ nữ trên thế giới mắc bướu sợi tuyến một lần trong đời. Bệnh phổ biến ở phụ nữ dưới 30 tuổi. Đây là loại bướu lành tính, thường gây đau vào trước chu kỳ kinh nguyệt. Một người có thể có một hoặc nhiều bướu sợi tuyến ở một hoặc cả hai bên ngực.
Bướu sợi tuyến hình tròn, bề mặt trơn láng, đường viền giới hạn rõ, mật độ chắc, có thể có nhiều thùy và di chuyển trong mô ngực. Loại bướu này phát triển chậm, tăng kích thước khi nồng độ hormone estrogen tăng. Bướu thường gây đau nhiều trong kỳ kinh nguyệt, cảm giác nặng ngực, nóng rát, khó thở... Phụ nữ đang cho con bú bị bướu sợi tuyến có nguy cơ ứ đọng, tắc tia sữa.
Hiện, chưa rõ nguyên nhân gây bướu sợi tuyến, song nội tiết tố (hormone) có liên quan đến khả năng hình thành bướu. Phụ nữ uống thuốc tránh thai trước 20 tuổi có xu hướng bị bướu sợi tuyến cao hơn. Bướu thường co lại ở tuổi mãn kinh, đôi khi xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh đang dùng liệu pháp thay thế hormone.
Bướu sợi tuyến vú không tiến triển thành ung thư. Nếu kích thước bướu nhỏ hơn 2 cm, không gây đau, không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì không cần điều trị, chỉ tái khám định kỳ. Bướu lớn hay gây đau, ảnh hưởng đến sinh hoạt như trường hợp của bạn có thể phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi lấy bướu, nhất là loại có kích thước lớn, ngực có thể bị lõm, móp méo, sẹo xấu. Người bệnh nên chọn cơ sở phẫu thuật có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ.
Bướu sợi tuyến dễ nhầm với u nang vú, ung thư vú, u diệp thể, u lympho vú. Do đó, khi có khối u trong ngực, người bệnh nên đến bác sĩ khám để được chỉ định xét nghiệm kiểm tra, tầm soát và có hướng dẫn theo dõi hoặc điều trị thích hợp.
BS.CKI Phạm Anh Tú
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |