Đau họng là tình trạng khó chịu, đau rát vùng họng. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân như viêm họng hạt, dị ứng, viêm amidan, cảm lạnh thông thường hoặc trào ngược axit. Tình trạng này thường đi kèm với hiện tượng gia tăng đờm nhầy gây cản trở đường thở. Khi mũi bị ảnh hưởng sẽ tạo ra nhiều chất nhầy mũi (nước mũi), dẫn đến nghẹt mũi, chảy nước mũi sau, ho...
Chế độ ăn cho người đau họng thường ưu tiên thực phẩm lỏng, mềm, nguội, dễ nuốt. Nhiều người kiêng uống sữa khi bị đau họng, nhưng điều này chưa đúng. Theo Hiệp hội Lồng ngực Mỹ, sữa không kích thích sản xuất chất nhầy. Thực phẩm này cũng không làm tình trạng tắc nghẽn ở người bị cảm lạnh, đau họng tồi tệ hơn.
Nghiên cứu thuộc Bệnh viện Đại học Zurich (Thụy Sỹ), đăng trên tạp chí của Đại học Dinh dưỡng Mỹ, năm 2013, cho thấy sữa có lợi đối với những người mắc bệnh hen suyễn. Những người tham gia được đo lượng và chất của dịch nhầy trước và sau nghiên cứu nhưng không có sự thay đổi. Nghiên cứu tương tự được thực hiện trên những tình nguyện viên bị cảm lạnh. Họ được chia làm hai nhóm, uống sữa và không uống sữa. Kết quả chưa có sự khác biệt về lượng chất nhầy ở mũi của hai nhóm.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lister (Anh), năm 2019, sữa giàu chất dinh dưỡng, không làm tăng sản xuất chất nhầy. Ngược lại, uống nhiều sữa còn làm loãng đờm nhầy, giảm tiết dịch giúp giảm các triệu chứng. Thức uống này cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và lượng calo cho cơ thể, đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Người bệnh đau họng, viêm đường hô hấp và các bệnh lý liên quan đến tiết dịch nhầy có thể uống sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Người mắc chứng không dung nạp đường sữa nên kiêng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa.
Chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp giảm đau họng. Người bệnh ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, uống đồ uống nhẹ nhàng, không có tính axit giúp giảm viêm và đau. Các thực phẩm nên ưu tiên gồm sữa chua, sinh tố, súp và nước dùng ấm, khoai tây nghiền, trứng, bánh ngọt, trà chanh và mật ong. Bạn nên tránh đồ uống chứa caffein, thức ăn lạnh, cứng, giòn, cay, chua vì dễ bị kích ứng cổ họng.
Mọi người có thể giảm các triệu chứng đau họng bằng cách súc miệng bằng nước muối ấm vài lần mỗi ngày để giảm viêm, dùng thuốc xịt họng. Uống nhiều nước ấm có thể làm loãng đờm nhầy, bôi trơn cổ họng, tránh mất nước. Sử dụng máy tạo độ ẩm có tác dụng làm ẩm không khí.
Bạn nên đi khám nếu đau họng kéo dài hơn một tuần, tái đi tái lại, sốt, khiến khó nói chuyện, sinh hoạt... Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Anh Chi (Theo Very Well Health, WebMD)