Trả lời:
Nước muối sinh lý (Natri clorid - NaCl) được pha chế với tỷ lệ 0,9%, tức một lít nước pha với 9 g muối tinh khiết. Đây là dung dịch có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể người. Nước muối sinh lý được dùng để rửa mắt, mũi, súc miệng thích hợp cho mọi lứa tuổi kể cả trẻ em.
Súc họng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch niêm mạc mũi và họng, loại bỏ các chất nhầy, bụi bẩn, vi khuẩn, các tác nhân dị ứng khỏi niêm mạc mũi, họng. Nó còn có tác dụng giữ ẩm, giảm khô và hạn chế kích ứng niêm mạc mũi, họng. Súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý cũng góp phần ngăn ngừa vi khuẩn và virus phát triển, giảm nguy cơ viêm họng, viêm mũi, các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác. Đây là biện pháp hỗ trợ giảm các triệu chứng viêm xoang, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh và viêm họng.
Bạn nên thực hiện đúng cách, chỉ nên rửa mũi, súc họng khoảng 1-2 lần mỗi ngày. Không lạm dụng nhiều lần trong ngày vì nước muối sinh lý làm sạch mũi họng sẽ vô tình làm mất đi lớp nhầy bảo vệ mũi họng vốn có, gây tổn thương niêm mạc mũi họng, dễ viêm. Bạn nên sử dụng nước muối sinh lý 0,9% (NaCl) đã được tiệt trùng và mua tại các nhà thuốc. Tránh tự pha chế do không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không đúng tỷ lệ pha chế sẽ gây hại cho vùng niêm mạc mũi, họng.
Cách súc họng đúng là ngậm một lượng nước muối sinh lý vừa đủ với khoang miệng của mình, mỗi lần súc khoảng hai phút, trong đó ba lần đưa nước muối sinh lý xuống họng khoảng 15 giây. Khi súc, ngửa cổ lên, khò nước cho đến vùng hạ họng, thanh quản và sau cùng dùng hơi đẩy hỗn hợp lên, nhổ ra ngoài. Sau khi súc nước muối sinh lý, không súc lại bằng nước thông thường.
Khi rửa mũi cần dùng kèm các dụng cụ rửa mũi (bình xịt hoặc bình rửa mũi). Đứng hoặc ngồi thẳng, nghiêng đầu sang một bên, nhẹ nhàng xịt hoặc bơm nước muối vào một mũi để hỗn hợp chảy ra từ mũi kia hoặc qua miệng. Lặp lại quy trình với mũi còn lại. Thực hiện nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi. Mỗi bình xịt, rửa mũi được dùng riêng cho từng người, không dùng chung. Một số trường hợp ù tai sau khi rửa mũi thì nên chuyển qua dạng xịt mũi với áp lực nhẹ hơn.
ThS.BS.CKI Hồ Văn Hữu
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |