Ba tôi vừa phát hiện ung thư giai đoạn 3, có người khuyên ba nên "bỏ đói" tế bào ung thư bằng cách kiêng ăn, hoặc ăn theo chế độ thực dưỡng sẽ giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Xin bác sĩ tư vấn thêm về vấn đề này? (Lê Trúc)
Trả lời:
Nhiều người nghĩ ung thư là một khối u, khối u này phát triển bằng cách lấy chất dinh dưỡng trong cơ thể từ những bữa ăn. Do đó, để kiểm soát sự phát triển của khối u thì người bệnh không nên cung cấp năng lượng cho nó. Về lý thuyết, quan điểm như trên là đúng bởi trong điều trị khối u các bác sĩ phải tắt các mạch máu nuôi u, tức là ngăn các chất dinh dưỡng đến nuôi khối u. Tuy nhiên, nếu người bệnh tự ý nhịn ăn hay giảm ăn thì tất cả những tế bào khác trong cơ thể đều bị thiếu dinh dưỡng, bản thân người bệnh sẽ bị đói. Khi cả cơ thể bị đói, người bệnh sẽ bị suy kiệtsức khỏe, thậm chí chết vì đói trước khi chết vì khối u.
Ngoài ra, thêm một đặc điểm nữa là khối ung thư có một cơ chế riêng để lấy dinh dưỡng trong cơ thể và phát triển. Xung quanh khối u sẽ mọc rất nhiều mạch máu khác nhau. Người bệnh tự ý ăn kiêng hay giảm ăn với suy nghĩ sẽ không cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể nuôi khối u không phải là cách điều trị bệnh.
Thay vì vậy, khi điều trị đúng khối u, hiện nay y học có những biện pháp giúp hạn chế dinh dưỡng cung cấp cho khối u, còn dinh dưỡng cho cơ thể vẫn phải đáp ứng đầy đủ.
Theo đó, về thắc mắc của bạn rằng chế độ thực dưỡng có giúp tiêu diệt tế bào ung thư hay không, đây là một quan niệm sai lầm. Chúng ta không thể tiêu diệt tế bào ung thư bằng biện pháp thực dưỡng, ăn uống giới hạn một số thực phẩm. Nhiều phương pháp thực dưỡng khác nhau, nhưng đa số là ăn chay trường, không ăn động vật, hoặc ăn gạo lứt muối mè,... Rõ ràng những thực phẩm này không thể giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Bên cạnh đó, việc kiêng những thực phẩm động vật cũng không ảnh hưởng đến tế bào ung thư. Vì vậy, thực dưỡng điều trị được ung thư rõ ràng là không thể, thực tế cũng không ai chứng minh được điều đó.
Thực dưỡng có nghĩa là sẽ hạn chế, không ăn thực phẩm động vật (ăn chay trường). Ăn chay dễ có nguy cơ thiếu đạm, thiếu vitamin B12 (vitamin B12 chỉ có ở thực phẩm động vật), thiếu máu, hồng cầu to..., mà thiếu máu còn làm ảnh hưởng tới bệnh lý nhiều hơn nữa. Ngoài ra, người bệnh ung thư cũng cần chất đạm để lành mô, lành vết thương, để khối cơ vẫn duy trì... Ngược lại, ăn chay lại quá nhiều chất bột đường, dễ bị rối loạn đường huyết, đái tháo đường... Vì vậy, đứng trước những thông tin chưa chính xác, chúng ta cần cân nhắc, tư vấn thêm từ chuyên gia để lựa chọn chế độ dinh dưỡng tốt cho người thân.
Vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh ung thư rất quan trọng để người bệnh sống chất lượng và khỏe mạnh hơn. Vì vậy, các thành viên trong gia đình cần theo dõi sự ăn uống của người bệnh; theo dõi sự tăng cân hoặc là giảm cân của người bệnh để thấy chế độ dinh dưỡng ổn, an toàm chưa. Nếu thấy tăng cân quá nhanh hoặc sụt cân quá nhanh, hoặc người bệnh ăn uống quá kém thì gia đình nên đến khám, tái khám với bác sĩ để nhận hỗ trợ kịp thời.
BS.CKI Đào Thị Yến Thủy
Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM