Trả lời:
Tỏi là gia vị được sử dụng phổ biến trong nhiều món ăn hàng ngày. Tỏi có nhiều chất dinh dưỡng, chứa vitamin A, C, E, K, vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6) cùng các khoáng chất như natri, kali, canxi, đồng, sắt, kẽm... 100 g tỏi chứa 6,36 g protein, 33 g carbohydrate, 149 g kcal và 2,1 g chất xơ.
Hoạt chất chủ yếu trong tỏi là allicin hoặc s-allylcysteine và axit amin. Tỏi tươi có tiền chất là alliin, khi băm nhuyễn, các enzym được kích hoạt và chuyển hóa alliin thành allicin, có thể hỗ trợ phòng ngừa bệnh cảm cúm.
Thời tiết lạnh tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển. Cơ thể chưa kịp thích nghi với nhiệt độ thấp hoặc sức đề kháng yếu nên dễ mắc các bệnh cảm cúm, cảm lạnh. Allicin trong tỏi có khả năng sát khuẩn mạnh, giảm nghẹt mũi, long đờm, giảm ho. Tỏi còn có tính ấm giúp khử tính hàn, loại trừ các tác nhân gây ho.
Loại gia vị này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa hỗ trợ sửa chữa các tế bào tổn thương. Vitamin B6, C có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giảm triệu chứng tăng nặng và nhanh khỏi bệnh.
Ngoài ra, tỏi còn có chứa allyl sulfide - hợp chất chống viêm có khả năng làm chậm tốc độ phát triển của tế bào ung thư, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do.
Ăn một ít tỏi sống trong bữa cơm hàng ngày có thể đem lại hiệu quả phòng bệnh. Khi ăn tỏi sống, bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như ợ chua, nóng rát trong miệng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa trung bình đến nhẹ. Mùi cơ thể xuất hiện do dùng quá nhiều tỏi sống mỗi ngày.
Người mới bắt đầu dùng tỏi có thể bị bỏng hoặc kích ứng cổ họng gây nóng rát khi nhai. Một số người nhạy cảm với tỏi có thể gặp tình trạng phát ban. Ngoài ra, tỏi còn có thể tương tác với một số loại thuốc.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |